Top

10 công trình kiến trúc vĩ đại nhất thế giới (Phần 2)

Cập nhật 05/11/2010 09:50

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển nền văn minh của mình, con người đã hình thành nên những công trình kiến trúc mang nhiều phong cách khác nhau và đó đều là những tuyệt tác hoàn hảo nhất về sự sáng tạo đồng thời cũng là biểu tượng của một nền văn minh quốc gia. Dưới đây là những công trình còn lại của top 10 biểu tượng kiến trúc thế giới
.
6. Hệ thống thoát nước ngầm ở London (Anh)

 
 

Hệ thống thoát nước ngầm ở London là một phần của hệ thống cơ sở hạ tầng về nước phục vụ cho London. Hệ thống hiện đại này đã được xây dựng trong suốt khoảng thời gian cuối thế kỷ 19 nhưng có vẻ như hệ thống này vẫn được chính quyền London đầu tư mở rộng và tăng thêm nhiều nguồn đầu tư cho công trình.
Kiến trúc sư Joseph Bazalgette, kỹ sư trưởng của Hội đồng quản trị các công trình tại thủ đô London chịu trách nhiệm cho việc đại trùng tu hệ thống thoát nước ở London từ năm 1858 đến năm 1865. Vào mùa hè năm 1858, London đã bị bao bọc bởi một đám mây mùi hôi ô nhiễm vô hình, mà còn được biết đến như là “Mùi hôi thối khủng khiếp của London”.

Chính vì vậy, Quốc hội đã nhận thấy tính cấp bách của vấn đề cần có một hệ thống thoát nước hiện đại cho thành phố vào thời điểm hiện tại vì môi trường nước trong các khu dân cư của thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong vòng bảy năm, Joseph Bazalgette đã thiết kế và xây dựng một hệ thống chặn cống phức tạp và những trạm bơm để đổ chất thải của thành phố vào sông Thames, ở khoảng cách rất xa lưu vực sông trong thành phố.

Từ đó, chất thải chỉ phải mất một quãng di chuyển ngắn để ra biển, không còn là mối đe dọa đến nguồn cung cấp nước uống cho các khu dân cư. Hơn 140 năm sau, hệ thống thoát nước vẫn còn trong tình trạng sử dụng tốt và được coi là một thành tựu xây dựng đáng kinh ngạc ngay cả theo tiêu chuẩn hiện đại.

7. Đấu trường La Mã (Italia)

 
 

Đây là một trong những đấu trường lớn trên thế giới, được sử dụng cho các võ sĩ giác đấu thi đấu và trình diễn công chúng. Công trình được xây dựng khoảng năm 70 và 72 sau Công Nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian với kích thước cao 48, dài 189 m, rộng 156 m. Không giống như các đấu trường trước đó, công trình này là một cấu trúc đứng tự do, được xấy trên một mặt đất bằng phẳng chứ không phải dựa vào đồi hay chỗ lõm tự nhiên.

Tường bên ngoài thoạt đầu có chu vi 545 m và cần phải dùng 100.000 m3 đá travertine được giữ với nhau bằng 300 tấn vòng kẹp sắt. Nó có thể chứa tới 50.000 người và được thiết kế tốt đến nỗi mỗi người có thể ra khỏi tòa nhà này trong vòng mấy phút. Bí quyết nằm trong việc sử dụng tài tình các mái vòm cuốn, các hành lang và các bậc lên xuống dẫn tới chỗ ngồi. Các mái vòm bên trên tầng trệt tao ra 80 lối vào chỗ đông người, mỗi lối vào có đánh số khách tìm thấy chỗ ngồi của họ. Một tấm vải bạt khổng lồ che nắng che mưa thường được căng ra bên trên để che nắng và trong các buổi trình diễn đêm, một đèn chùm bắng sắt khổng lồ treo lơ lửng bên trên đấu trường.

Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, nó đã bị hư hỏng do thiên nhiên tác động. Chu vi phía bắc của Đấu trường vẫn còn nguyên với dấu vết trùng tu của thế kỷ 19. Phần còn lại của Coloseo ngày ngày nay là bức tường gốc như lúc đang xây.

8. Đường hầm qua eo biển Manche

 
 

Công trình này là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 50,45 km (bao gồm 3,3km dưới đất bên phía Pháp, 9,3km ngầm bên phía Anh và 37,9km ngầm dưới biển) đi qua eo biển Manche nối Folkestone, Kent ở Anh với Coquelles gần Calais ở phía bắc Pháp gồm hai hầm đường sắt và một đường hầm dịch vụ, được hoàn thành vào năm 1994 sau 6 năm nỗ lực xây dựng với sự hợp tác của 2 quốc gia Anh và Pháp.

Đường hầm qua eo biển Manche đã làm toại nguyện giấc mơ hàng thế kỷ của người Châu Âu về việc nối liền Vương quốc Anh với phần còn lại của châu lục này. Không chỉ là một đường hầm, nó còn là sự kết hợp tuyệt vời của hệ thống kết cấu vững chắc và máy móc rất đồ sộ dưới lòng đại dương, biến tham vọng ngoài sức tưởng tượng của loài người thành sự thật. Chạy xuyên qua hai nhánh chính của đường hầm (thành đường hầm dày 1,5 m) là những con tàu điện hai tầng lớn nhất trên thế giới, có chiều ngang thân tàu tới 4,2m với tốc độ lên tới 300km/h.

Hệ thống xe bảo dưỡng và phương tiện cấp cứu tận dụng đường hầm thứ ba nằm giữa hai đường hầm lớn. Những chiếc pittong khổng lồ liên tục đóng và mở làm lưu thông không khí và khí thải sinh ra từ đầu tầu. Hệ thống đường ống dài gần 500 km chứa nước lạnh chạy dọc theo lan can đường hầm giữa giúp hạ nhiệt sức nóng tạo ra từ sự cọ sát không khí bên trong đường hầm. Công trình được xem như là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.

9. Kênh đào Panama

 
 

Đây là kênh đào chính cho tàu thuyền đi qua, cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương với tổng chiều dài 80 km, chiều rộng 100m và chiều sâu thay đổi theo từng đoạn, thấp nhất là 12,5m. Việc xây dựng kênh đào này là một trong số những dự án công trình lớn nhất và khó khăn nhất đã thực hiện từ trước đến nay. Dưới sự chỉ dẫn của Đại tá George Washington Goethal, 42.000 công nhân đã nạo vét, cho nổ mìn và đào con kênh từ Colon đến Balboa.

Họ đã di chuyển một lượng đất đá đủ để chôn đảo Mahattan xuống sâu 3,6 m hoặc đủ để mở một đường hầm rộng 4,8 m tới tâm Trái đất. Con kênh đã hoàn thành đúng thời hạn (từ năm 1904 đến 1914) và với ngân sách vừa phải (375 triệu USD – tính theo thời giá lúc bấy giờ). Mặc dù vậy, thiệt hại về nhân mạng khi tham gia xây dưng kênh đào này lên đến 25.000 người. Con kênh ngày nay vẫn hoạt động giống như những năm 1914 với hơn 14.000 phương tiện tàu thuyền đi ngang qua mỗi năm. Kênh Panama là một thành quả vĩ đại của các kỹ sư địa chất - kỹ thuật và sức người.

10. Tòa tháp Burj Khalifa (Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất)

 
 

Tòa tháp trị giá 1,69 tỷ USD này được khởi công vào tháng 9 năm 2004 và vừa được khánh thành vào ngày 4 tháng 1 năm 2010. Tổng thể của toà nhà gồm có 3 khối được sắp xếp xung quanh một lõi trung tâm. Do toà tháp được xây dựng trên nền sa mạc bằng phẳng, những phần thụt vào được bố trí tại từng khối và hướng lên theo thiết kế hình xoắn ốc của toà nhà, giúp giảm đi mặt tiết diện của toà tháp khi nó vươn cao lên bầu trời.

Kiến trúc của Buji Khalifa là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của đạo Hồi và tính phức tạp trong kiến trúc hiện đại để hình thành nên một công trình đứng vững bền lâu trong vùng khí hậu sa mạc khắc nghiệt. Thiết kế độc đáo này không chỉ giúp giảm tác động của sức gió lên toà nhà mà còn đem đến cho những người sinh sống và làm việc trong toà nhà có được một tầm nhìn đáng kinh ngạc đến những khu vực xung quanh.

Nó hiện là công trình cao nhất thế giới với chiều cao 828 m và 162 tầng, số tầng nhiều hơn bất cứ tòa nhà chọc trời nào trên thế giới hiện nay. Buji Khalifa đã trở thành một biểu tượng mới của thế giới Ả rập, không phải chỉ bởi vì nó làm tăng thêm nét hiện đại của Dubai mà còn tượng trưng cho tầm nhìn rộng, tính quyết đoán, sự cách tân và những thành tựu đáng khâm phục của con người. Bằng cách sắp xếp những khả năng và huy động nguồn nhân lực của mình, Dubai đã thành công trong việc xây dựng một kỳ quan kiến trúc hiện đại và áp dụng vào đó những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới.

10 công trình kiến trúc vĩ đại nhất thế giới (phần 1).

DiaOcOnline.vn
(lược dịch và tổng hợp từ Daily Mail)
Ảnh Internet