Top

Vốn vay - vay vốn: Khó ngược, khó xuôi

Cập nhật 27/04/2012 08:30

Nhiều ngân hàng thương mại vốn thừa nhưng không cho vay được do khó tìm được doanh nghiệp tốt, dự án khả thi. Thực trạng trên buộc các ngân hàng cũng phải giảm lãi suất đầu vào để hạ chi phí đầu ra nhưng điều này lại khiến họ lâm vào cảnh mất khách hàng gửi tiền.

Nhiều NH e ngại giảm lãi suất sẽ khiến dòng tiền chuyển sang các kênh khác

Giảm tiền vào


Số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 26/3, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 1,39%. Con số này cho thấy dù giảm lãi suất nhưng các NH vẫn huy động được vốn.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu thực tế có thể thấy sự lạc quan đó đang mất dần. Điểm chung là các NHTM đang lo kênh tiền gửi mất sức hấp dẫn khi NHNN điều hành chính sách lãi suất theo lạm phát mục tiêu, chứ không phải lạm phát thực.

Sau khi hạ trần lãi suất, các NHTM đã phải liên tục chạy đua khuyến mại để giữ chân khách hàng, trong đó có nhiều chương trình cho phép gửi tiền vài ngày đến 1 tuần cũng được nhận khuyến mãi.

Thừa nhận điều này, một lãnh đạo của NH Nam Á cho biết: “Giảm lãi suất có thể làm giảm nhẹ dòng tiền gửi trong ngắn hạn, nhưng lại có tác dụng tích cực kích hoạt các kênh đầu tư chủ động khác như chứng khoán, bất động sản, sản xuất kinh doanh... Do vậy, trong xu thế giảm lãi suất hiện nay, NH e rằng dòng vốn tiền gửi có thể chuyển sang các kênh đầu tư khác là có”.

Tương tự, theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc NH ACB, dòng tiền này phụ thuộc vào việc người gửi có tin vào công cụ quản lý và chính sách của Nhà nước hay không. Nếu người dân tin tưởng lạm phát từ nay đến cuối năm chỉ 6%, tỷ giá tăng không quá 2%, họ sẽ chọn gửi tiết kiệm vì lãi suất 10%/năm vẫn có lời.

Còn nếu dự đoán lạm phát năm nay ở mức 10%, tỷ giá tăng 5% và trong xu thế lãi suất giảm xuống 10%/năm, họ sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác. Ngoài ra, có thể thấy rằng, giá bất động sản hiện nay đã rất rẻ và sẽ không xuống quá sâu nữa, nên với một số người có nhu cầu mua nhà thực sự để ở, thời điểm này có thể sử dụng vốn nhàn rỗi cộng với vốn vay NH để mua nhà là hợp lý nhất.

Hạn chế tiền ra


Đại diện nhiều NH cho rằng, do hàng tồn kho lớn, sản xuất đang suy giảm nghiêm trọng, các NH khó khăn trong thu nợ (gốc, lãi), nợ xấu có xu hướng tăng cao. Số liệu NHNN cho thấy, đến ngày 26/3, tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục giảm 1,96%.

Vòng luẩn quẩn của vốn là minh chứng thực tế cho thấy câu chuyện thanh khoản không chỉ nằm ở những NH có quản trị yếu kém mà nay xảy ra trên toàn diện rộng. Thậm chí, một NH quản trị tốt như ACB công bố dư 3 tỷ USD mà không thể cho vay.

Có thể thấy, tái cơ cấu thị trường tài chính là chuyển dịch nguồn lực về tài chính và tài nguyên từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả. Nhưng các biện pháp tái cơ cấu thời gian qua đang gây ra căn bệnh “thừa tiền”. Thừa tiền gây ra lạm phát, DN thừa tiền hoạt động kém hiệu quả, gia đình thừa tiền thì cũng tiêu dùng kém hiệu quả...

Về tín dụng, theo VNBA, nhiều DN chưa tiếp cận được nguồn vốn NH, tăng trưởng tín dụng toàn ngành cuối năm 2011 chỉ đạt 12%, còn trong những tháng đầu năm 2012, dư nợ cho vay nền kinh tế giảm mạnh, đến 23/3/2012 giảm khoảng 2% so với cuối năm 2011. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng đến 29/2/2012 là 3,42%.
Tuy nhiên, theo các NH, bản thân của họ cũng là DN, nên NH kinh doanh tiền tệ cũng phải tính đến hiệu quả và khả năng thu hồi vốn cho vay. Tình hình tài chính của DN xấu, không đáp ứng đủ yêu cầu thì không thể cho vay.

Bởi vì, cho vay không khéo nợ xấu gia tăng thì các NHTM sẽ bị NHNN hạ xếp hạng, ảnh hưởng đến các mảng hoạt động khác. Theo báo cáo của Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), với trên 90% tỷ trọng vốn của NH hiện nay là nguồn vốn ngắn hạn, gây khó khăn cho các NHTM trong việc quản trị nguồn vốn, khó bảo đảm cân đối kỳ hạn.

Kỳ hạn huy động vốn bình quân có xu hướng rút ngắn trong khi kỳ hạn cho vay bình quân dài, tạo nguy cơ rủi ro kỳ hạn và lãi suất. Hơn nữa, sự mất cân đối kỳ hạn vốn của NH hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều NH không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, do các DN này chủ yếu vay vốn trung và dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn