Top

“Sóng” cổ phiếu BĐS khó bền

Cập nhật 17/04/2012 08:10

Giá còn thấp (do chưa tăng) nay có thông tin hỗ trợ thì cổ phiếu bất động sản tăng là điều dễ hiểu nhưng các chuyên gia dự báo khó tăng bền vững.

Ngay sau khi chính sách tín dụng bất động sản (BĐS) được “cởi trói”, cổ phiếu BĐS tăng liên tục, nhiều cổ phiếu đã tăng 20%-25%. Giới chuyên môn cho rằng cổ phiếu BĐS đang được “đẩy lên” vì niềm tin là chính.

Tăng là dễ hiểu

Trước khi các thông tin liên quan đến việc gỡ khó cho tín dụng BĐS được phát đi, nhiều cổ phiếu đã nhích lên và sau đó tăng mạnh. Chẳng hạn cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai dù đang vào diện cảnh báo nhưng đã tăng liên tiếp 8 phiên, trong đó có 4 phiên tăng trần (từ mức 10.400 đồng lên 13.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng 26%).

Chứng khoán tăng điểm đã thu hút nhà đầu tư đến sàn. Ảnh: HỒNG THÚY

Hay cổ phiếu ITC của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà trong 8 phiên vừa qua đã có 6 phiên tăng trần với tổng mức tăng hơn 25% (từ 10.000 đồng/cổ phiếu lên 12.600 đồng). Cổ phiếu SCR của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương tín sau 6 phiên tăng liên tục đã chững lại phiên cuối tuần vừa qua nhưng phiên đầu tuần này đã tăng mạnh trở lại, đạt 13.500 đồng/cổ phiếu. Hàng loạt cổ phiếu BĐS khác cũng tăng mạnh.

Một nhân viên môi giới chứng khoán của Công ty CP Chứng khoán Đông Á nhận xét: Hầu hết các mã ngành BĐS đã tăng từ 20%-25% trong những phiên vừa qua chủ yếu do hiệu ứng tâm lý. Trong phiên giao dịch đầu tuần này, dù giá của nhiều cổ phiếu tiếp tục tăng trần nhưng khối lượng giao dịch vẫn rất lớn, cho thấy tâm lý sẵn sàng bán chốt lời của nhà đầu tư đang diễn ra hơn là muốn nắm giữ cổ phiếu lâu dài.

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn và Phân tích đầu tư Công ty CP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, cho rằng các phiên gần đây, cổ phiếu BĐS mới thực sự đồng loạt tăng trần, trong khi cổ phiếu nhiều ngành khác đã “chạy” trước đó rất sớm với tỉ lệ tăng rất cao. Giá thấp (do chưa tăng), nay lại có thông tin “cởi trói” tín dụng hỗ trợ thì cổ phiếu BĐS tăng cũng là điều dễ hiểu.

Chưa thể khởi sắc

Trong khi đó, ông Nguyễn Hắc Hải, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng động thái “cởi trói” cho tín dụng BĐS sẽ giúp các doanh nghiệp BĐS giải bài toán về vốn, giảm áp lực tài chính cũng như tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm khi ngân hàng mở hầu bao cho vay, nhất là những doanh nghiệp BĐS có quỹ đất tốt với giá vốn rẻ, tình hình tài chính tương đối ổn định.

Tuy vậy, để đi đến kết luận về một sự “thay máu” cho thị trường BĐS dưới tác động của những chính sách trên là chưa đủ cơ sở bởi “van” tín dụng cho ngành này đã được mở nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng như của người tiêu dùng và nhà đầu cơ đến mức nào thì chưa đo lường được. Chưa kể, mức lãi suất cho vay BĐS hiện dao động từ 17% đến 19%/năm vẫn còn ở mức cao so với khả năng tài chính của đa số người dân.

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng thị trường BĐS ở Mỹ, Nhật muốn hồi phục đã mất nhiều thời gian. Vì vậy, chúng ta có thể tin tưởng trong thời gian tới, ngành BĐS cũng như kinh tế vĩ mô tốt hơn nhưng để thị trường BĐS ổn định cũng phải mất ít nhất vài ba năm nữa.

Thị trường của niềm tin

Tại buổi trao đổi về kinh tế vĩ mô và nhận định tình hình chứng khoán 2012 mới đây của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, TS Trần Du Lịch cho rằng nếu thị trường chứng khoán của năm 2011 là sự thất vọng thì năm 2012 là thị trường của niềm tin.

Theo ông, trong khi một số kênh đầu tư khác đang bắt đầu thiếu sức hấp dẫn (vàng bị quản lý, ngoại tệ không biến động nhiều, BĐS cần có thời gian và cũng đòi hỏi vốn lớn) thì từ nay đến cuối năm, cơ bản thị trường chứng khoán vẫn là kênh an toàn.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động