Top

Room ngân hàng, tin đồn và tin thật

Cập nhật 07/09/2015 09:07

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) khẳng định với báo giới tuần rồi rằng ngân hàng này đang đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho nới room lên trên mức 35% và có thể tới 40%, thậm chí hơn mức đó. Đề xuất là quyền của tổ chức tín dụng, quyết định là quyền của Nhà nước. Vấn đề là liệu đề nghị trên hiện thực đến đâu và vì sao lại là VietinBank mà không phải một ngân hàng nào khác?

Với hệ thống mạng lưới rộng, vốn huy động cao, số lượng khách hàng tốt và dịch vụ bán lẻ không tồi, Sacombank được giới đầu tư nước ngoài chú ý. Ảnh TL

Theo Nghị quyết 15 ngày 6-3-2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cổ phần (quốc doanh và nửa quốc doanh) duy trì tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ (trừ VietinBank). Sở dĩ có khoản mục “trừ VietinBank” là do hiện vốn nhà nước ở VietinBank chỉ ở mức 64,5%. Để đáp ứng tiêu chí 65% như các ngân hàng khác, Nhà nước phải mua thêm cổ phiếu để tăng sở hữu, mà việc này thì không thể thực hiện vì đi ngược lại chủ trương cổ phần hóa. Thực tế “trừ VietinBank” không có nghĩa là Nhà nước sẽ ưu tiên nắm giữ tỷ lệ thấp hơn các ngân hàng khác, và cũng không hàm ý room của VietinBank sẽ cao hơn các đồng nghiệp như Vietcombank hay BIDV.

Theo đề xuất mới nhất của VietinBank, vốn nhà nước tại đây sẽ giảm dần theo lộ trình, nhưng vẫn sở hữu trên 51% để đảm bảo quyền chi phối. Đại diện một số tổ chức nhận xét đề xuất của VietinBank hợp lý, nhưng xem ra khó khả thi ít nhất trong năm nay. Nới room lên trên mức quy định hiện hành cho đến giờ vẫn chưa có ngoại lệ nào kể cả với các tổ chức tín dụng cổ phần. Những đối tác nước ngoài đánh tiếng sẵn sàng góp vốn vào Sacombank, hay cả Đông Á đều ngỏ ý tỷ lệ nắm giữ 49%. Họ muốn một tỷ lệ như vậy để đảm bảo có thể tham gia điều hành, quản lý ngân hàng, không phải chỉ hỗ trợ kỹ thuật như vai trò của những tổ chức ngoại đang hiện diện ở nhiều ngân hàng hiện nay.

Ngoài ra, mối quan tâm của khối ngoại đối với ngân hàng giờ đã khác trước. Họ không mua bất cứ ngân hàng nào. Họ chọn những ngân hàng có hệ thống mạng lưới rộng, vốn huy động cao, số lượng khách hàng tốt và dịch vụ bán lẻ không tồi. Đấy là một trong những lý do vì sao Sacombank được chú ý. Không phải tổ chức tín dụng cổ phần nào cũng có mạng lưới tới 450 chi nhánh, phòng giao dịch như Sacombank. Một quan chức NHNN đã nói bên ngoài hành lang việc bán cổ phần cho nước ngoài ở Sacombank tới 49% là không thể vì chi phối được một ngân hàng mạng lưới rộng như thế là có thể với tay kiểm soát một phần không nhỏ kinh tế các tỉnh phía Nam.

Với những ngân hàng thuộc tốp 4 như VietinBank, BIDV, Vietcombank nới room lại càng phải tính toán nhiều phía. Theo Luật Doanh nghiệp, một khi sở hữu 35% cổ phần của một ngân hàng hay doanh nghiệp, một hay nhiều tổ chức có thể phủ quyết những quyết sách của đơn vị đó. Cho đến nay những ngân hàng lớn vẫn đang phải gánh vác không ít chính sách xã hội, chia sẻ một số chính sách quản lý tiền tệ trong một số thời điểm. Vào một số thời điểm căng thẳng tỷ giá, chẳng hạn, các ngân hàng lớn được cơ quan quản lý “vận động” bán ra/mua vào ngoại tệ để cân bằng cung cầu thị trường. Nếu có cổ đông ngoại chiếm tỷ lệ chi phối, những động thái có tính can thiệp dạng này sẽ không thể diễn ra được.

Trong các cuộc đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương vừa qua giữa Việt Nam và các nước, khi đề cập đến những điều khoản có liên quan tới ngân hàng, yêu cầu mở room ngân hàng của các nước, theo một quan chức cấp cao NHNN, là rất có chừng mực. Họ không hề đặt điều kiện mở room tới 49% các ngân hàng tốp đầu, mà hai hoặc các bên thảo luận tỷ lệ đó đối với một số ngân hàng cổ phần. Trong quá trình tái cơ cấu, quy mô của các ngân hàng Việt Nam đang tăng lên nhanh thông qua hợp nhất, sáp nhập và cùng với đó là quy mô huy động vốn - một trong những hoạt động chính mà các ngân hàng nước ngoài đang rất chú trọng.

Những nhà quan sát thị trường chứng khoán cho rằng các thông tin về nới room ngân hàng thỉnh thoảng lại “rộ” lên ở những ngày VN-Index suy giảm. Không biết vô tình hay cố ý, những thông tin này dường như có ảnh hưởng nào đó lên giá cổ phiếu. Người ta cũng đặt dấu hỏi trong đợt “đỏ lửa” hiện hành của chứng khoán, tin đồn và tin không chính thống xuất hiện tương đối phổ biến. Thí dụ tin đồn liên quan đến lãnh đạo của KBC đã khiến cổ phiếu này rớt sàn vài phiên bất chấp công ty đã ngay lập tức công bố thông tin làm rõ. 

Các nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi đều dự báo trong năm nay sẽ không có bất cứ một sự thay đổi nào về room ngân hàng. Cho tới khi các ngân hàng được NHNN mua với giá 0 đồng tái cấu trúc xong, “sạch sẽ” và “tươi tắn” trở lại, để có thể được hợp nhất vào các ngân hàng khác hoặc được Nhà nước mang ra “bán” đấu giá công khai trên thị trường, mọi biến động về room ngân hàng đều cần cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng từ nhiều phía, nhiều góc độ.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG