Top

"Buốt ruột" nhìn tỷ giá tăng từng giờ

Cập nhật 27/08/2015 10:16

Chưa cần nói tới các con số vĩ mô mơ hồ như nhập siêu, lạm phát, tăng trưởng… ở một góc nhìn vi mô, tỷ giá tăng đã phần nào có tác động tới đời sống của từng cá nhân nhỏ lẻ.

Ở một góc nhìn vi mô, tỷ giá tăng đã phần nào có tác động tới đời sống của từng cá nhân nhỏ lẻ.

Sáng 25/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT) thêm 0,09% từ 6,3987 NDT/USD xuống còn 6,4034 nhân dân tệ/USD. Hôm qua, PBOC cũng giảm giá đồng nhân dân tệ từ 6,3862 NDT/USD xuống mức 6,3987 NDT/USD.

Sau những biến động của đồng nhân dân tệ, trên thị trường ngoại hối Việt Nam, tỷ giá vẫn khá căng thẳng khi các ngân hàng tiếp tục niêm yết giá bán ngoại tệ ở mức kịch trần. Trong 1, 2 tuần qua, có những ngày tỷ giá biến động từng giờ theo xu hướng tăng lên.

Chị Nguyễn Ngọc Diệp (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi chuẩn bị sang Nhật học tiếp chương trình tiến sĩ. Nhìn tỷ giá Yen tăng từng giờ mà sốt ruột quá, đầu giờ sáng mới có 184 mà làm việc một lúc đã nhảy lên 188, tăng liền 4 giá trong một buổi sáng. Giá dồn tiền mua Yen từ trước có phải đỡ được bao nhiêu không”.

Cùng “nỗi niềm” giống chị Diệp, bác Phạm Sĩ Mạnh hiện có con đang du học tại Anh cho biết: “Tỷ giá tăng 1 đồng nghĩa là tiền nhà gửi sang cho con học lại tăng thêm 1 đồng. Do không có dự trữ trước ngoại tệ nên khi tỷ giá tăng từng ngày như mấy ngày qua khiến vợ chồng lại thêm lo lắng”.

Một đối tượng khác cũng đang chịu ảnh hưởng từ việc tỷ giá biến động là những người buôn bán hàng ngoại và những người tiêu dùng có thói quen sử dụng loại hàng này.

Chị Việt Phương, một người kinh doanh hàng xách tay cho hay, có những đơn hàng khách đặt chưa kịp “chốt” hoặc đang đợi ghép đơn hàng để giảm chi phí vận chuyển thì đến lúc đặt hàng giá đã tăng thêm đáng kể, có khi còn hết cả lãi.

“Lúc đặt hàng nếu tỷ giá tăng thì có 2 phương án, tăng ít thì thôi còn nếu tăng nhiều thì tôi phải báo lại giá với khách. Nhiều khách thấy giá đội cao quá lại thay đổi quyết định, không mua hàng nữa”, chị Phương cho biết.

Tỷ giá tăng cũng khiến các mặt hàng mua từ nước ngoài như Nhật, Mỹ, châu Âu trở lên đắt đỏ hơn. Đối với mặt hàng giá trị không đáng kể có thể chưa ảnh hưởng nhiều nhưng những mặt hàng giá trị lớn cũng khiến nhiều khách hàng phải đắn đo khi quyết định xuống tiền.

Anh Lê Minh, tiếp viên tại một hãng hàng không cho hay: “Tranh thủ mỗi lần đi công tác tôi đều mua đồ ăn, quần áo, bỉm sữa cho con nhỏ ở nhà. Đợt gần đây, tính ra giá các sản phẩm đó cao hơn hẳn. Do đó, tôi cũng phải cân đối “hầu bao”, tạm thời hạn chế những sản phẩm đắt đỏ. Kế hoạch cho cả nhà đi du lịch châu Âu của gia đình cũng “tạm đình chỉ” để cân đối thêm ngân sách”.

Ngoài ra, những người đang có món vay bằng ngoại tệ như USD, EUR… cũng “lo ngay ngáy” khi tỷ giá tăng mạnh bởi điều đó đồng nghĩa với việc số tiền bỏ ra để mua USD, EUR trả nợ cũng nhiều hơn.

Trên thực tế, chưa cần nói tới các con số vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, lạm phát hay nhập siêu… ở một góc nhìn vi mô, tỷ giá tăng có ảnh hưởng nhất định tới một bộ phận người dân. Tâm lý người tiêu dùng nói chung cũng chịu ảnh hưởng đáng kể.

Theo khảo sát mới công bố của ngân hàng ANZ, người tiêu dùng Việt trở nên cẩn trọng hơn khi tiền đồng giảm giá. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm 4,9 điểm xuống còn 133,7 điểm trong tháng 8, thấp hơn 1,8 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Glenn Maguire - Kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ nhận định Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước trong tháng qua đã phải sử dụng đến những tác động chính sách như nới rộng biên độ tỷ giá và cuối cùng là giảm giá tiền đồng lần thứ ba trong năm.

"Sự giảm sút niềm tin về triển vọng nền kinh tế trong 12 tháng tới và 5 năm kế tiếp cho thấy rằng các hộ gia đình Việt Nam có thể đã cho rằng các động thái cẩn trọng của những nhà hoạch định chính sách là một dấu hiệu của sự suy giảm", chuyên gia của ANZ cho hay.


DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí