Top

NHNN thừa nhận nợ xấu không "đẹp" như công bố

Cập nhật 22/12/2011 13:55


Phải yêu cầu tất cả các ngân hàng thực hiện theo tiêu chuẩn mới về nợ xấu.
Lần đầu tiên NHNN chính thức thừa nhận, con số nợ xấu công bố chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng tín dụng, hoạt động của các ngân hàng.

Rủi ro phân loại nợ


Theo con số do Thanh tra NHNN công bố, đến nay hệ thống ngân hàng đã cho vay các tổ chức kinh tế và dân cư khoảng 2,5 triệu tỉ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 3,39%, tương đương 85.300 tỉ đồng. So với mức 2,19% năm ngoái, nợ xấu đã tăng 1,2% tương đương 35.000 tỉ đồng - mức tăng được coi là đột biến.

So với thông lệ quốc tế, nợ được coi là vẫn an toàn khi nằm ngưỡng không quá 5% tổng dư nợ xấu, thế nhưng nợ của các ngân hàng hiện nay lại tiềm ẩn đầy rủi ro. Tại hội nghị ngành ngân hàng cuối tuần trước, ông Trần Minh Tuấn - Phó thống đốc NHNN - thừa nhận con số trên phản ánh chưa đúng thực chất rủi ro tín dụng của các ngân hàng do tiêu chuẩn phân loại nợ hiện nay còn bất cập và các tổ chức tín dụng thường không phân loại đúng theo quy định.

Cụ thể, kể từ năm 2008, NHNN yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải phân loại và trích lập dự phòng theo chuẩn mới. Theo đó, ngân hàng phải phân loại nợ của doanh nghiệp theo hơn 50 tiêu chí, phản ánh đầy đủ và toàn diện về thời gian, khả năng trả nợ. Nếu áp dụng quy định này, nợ xấu của ngân hàng chắc chắn sẽ tăng lên gấp vài ba lần, kéo theo khoản trích lập dự phòng rủi ro không nhỏ. Đó là lý do, dù NHNN đã ra lệnh từ 2008, nhưng tới nay mới chỉ có BIDV, Vietcombank, Techcombank thực hiện, số còn lại vẫn dùng chuẩn cũ mà thế giới đã bỏ hàng chục năm nay.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào thời hạn trả nợ thì đến hạn khách hàng vay nóng, xoay xở chỗ này, chỗ kia để trả, một khi hết cửa xoay sẽ dẫn tới mất khả năng trả, ngân hàng trắng vốn. Việc này dẫn tới tình trạng nhiều ngân hàng còn tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng vay thêm tiền để đáo hạn, tránh nợ xấu tăng.

Nói thêm về việc tại sao các ngân hàng cứ chây ì từ năm này qua năm khác không chịu phân nợ theo chuẩn mới, vị trên cho biết, lý do đơn giản là nếu áp dụng chuẩn mới, chắc chắn nợ xấu phải tăng lên ít nhất 2-3 lần so với con số công bố. Khi đó số tiền trích lập dự phòng rủi ro lẽ ra 1.000 tỉ, phải tăng lên 2.000-3.000 tỉ đồng.

Cần một chuẩn mực chung

Tới đây, theo ông Trần Minh Tuấn, năm 2012 Thanh tra NHNN sẽ thường xuyên đến các ngân hàng bị xếp vào nhóm hoạt động kém an toàn, đối tượng 2 năm trở lên chưa được thanh tra, các đối tượng có diễn biến bất thường trong tổ chức và hoạt động, các đối tượng mới được cấp phép và đi vào hoạt động.

Thế nhưng, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, cho rằng việc xác định, kiểm soát nợ xấu chỉ thông qua vài cuộc thanh, kiểm tra sẽ không giải quyết được triệt để, bởi thực tế, hiện nay không có một chuẩn mực chung cho hệ thống, mỗi ngân hàng làm một kiểu.

Ông Hà kiến nghị việc quan trọng nhất là phải đưa tiêu chuẩn nợ xấu về mặt bằng chung, có tiêu chí rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu tất cả các ngân hàng phải thực hiện theo chuẩn chung đó.

NHNN chưa khẳng định rõ lộ trình yêu cầu các ngân hàng phân loại theo chuẩn nợ mới, thế nhưng vấn đề này cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không dưới 2 lần nhắc lại phải chấn chỉnh, xử lý dứt điểm nợ xấu và các ngân hàng yếu kém.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên