Top

Đồng loạt làm giá vàng: Thuốc bình ổn vô hiệu

Cập nhật 17/12/2011 09:55

Các doanh nghiệp vàng đã kiếm lãi lớn khi cố tình neo giá còn người dân đổ xô đi mua vàng rất nhiều. Nghi vấn làm giá đang rộ lên và hiệu quả của việc bình ổn giá vàng lại được đặt ra.

Giá vàng thế giới liên tục đổ dốc trong mấy ngày qua, trong khi giá vàng trong nước giảm chậm rồi đứng im khiến cho khoảng cách giá vàng trong và ngoài nước tăng cao hơn 3 triệu đồng. Các DN vàng đã kiếm lãi lớn khi cố tình neo giá còn người dân đổ xô đi mua vàng rất nhiều. Nghi vấn làm giá đang rộ lên và hiệu quả của việc bình ổn giá vàng lại được đặt ra.

Quyết giữ giá cao để kiếm lãi

Rất nhiều ngày liền, khi giá thế giới đã giảm nhưng một số DN vàng trong nước lại công khai một mức giá thế giới hoàn toàn không có thực, thường là cao hơn khoảng 30 - 40 USD/ounce. Đây là một hành động cố tình để đánh lừa nhằm đẩy giá trong nước cao hơn hẳn giá thế giới.

Sự việc chỉ bị phát hiện khi nhiều bạn đọc và chuyên gia đã chỉ ra nghi vấn và cho rằng "Người mua vàng Việt Nam đang bị lừa?". Theo đó, tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước cố tình niêm yết giá thế giới và giá thế giới quy đổi sai để dễ dàng bán vàng trong nước ở mức giá cao hơn tới trên 3 triệu đồng/lượng.

Ngay sau phản ánh này, các DN đã giật mình và tự phải thay đổi trong im lặng. Từ đó, nghi vấn làm giá vàng lại có thêm một cơ sở để khẳng định. Tuy nhiên, cho đến 16/12, tất cả cũng chỉ đủ để cho doanh nghiệp điều chỉnh lại giá quy đổi và niêm yết giá thế giới đúng như thực tế. Còn giá trong nước vẫn được chỉnh nhích lên và các DN có vẻ kiên quyết giữ mức chênh vẫn trên 3 triệu đồng/lượng với giá nước ngoài để kiếm lãi.

Cụ thể, ngày 16/12, thay vì niêm yết giá quy đổi ở mức 42,495 triệu đồng/lượng vào gần cuối giờ trưa qua (khi vàng thế giới ở mức 1.570,6 USD/ounce), trên trang web của mình, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji đã điều chỉnh giá thế giới quy đổi xuống khá thấp.

Cụ thể, tới 11h55 sáng 16/12, giá thế giới quy đổi được Doji "để" ở mức 40,362 triệu đồng/lượng cho dù giá thế giới lúc cùng thời điểm là khoảng 1.585 USD/ounce.

Điều đó cho thấy một nghịch lý là hôm qua giá vàng thế giới thấp hơn hôm nay tới khoảng 15 USD/ounce nhưng giá quy đổi được doanh nghiệp niêm yết cao hơn hôm nay tới hơn 2 triệu đồng/lượng!.

Giá vàng thế giới tác động trực tiếp giá vàng trong nước. Trong trường hợp này, khi giá thế giới được cập nhật sai với mức cao hơn đã khiến cho người dân cảm thấy giá vàng trong nước là hợp lý và quyết định đi mua mà không biết rằng, đó là một mức giá đắt hơn thực tế rất nhiều và một lần nữa, vàng lại bị làm giá và người mua vàng lại bị "luộc" một cách không thương tiếc.

Điều kỳ lạ hơn, sau cú lừa thông tin bị phát hiện, giá vàng thế giới được cập nhật đúng thì dù đã lộ ra khoảng cách giá trong nước và thế giới rất cao. Nghi vấn làm giá đã rộ lên nhưng lần này, các DN đã không cần đến sự lập lờ thông tin hay cố tình nhầm lẫn trong việc niêm yết giá thế giới và giá thế giới quy đổi, các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn "dựa trên cung-cầu" để quyết định "để" giá vàng ở mức bao nhiêu.

Thực tế, sáng 16/12, các doanh nghiệp vẫn đều đặn nâng giá vàng SJC bán ra theo từng nấc nhảy 1-2 USD của vàng thế giới.

Cụ thể, vàng SJC do ông trùm "Vàng bạc đá quý Sài Gòn" SJC, niêm yết trên trang web sáng 16/12 tăng dần từ 43,47 triệu đồng/lượng (bán ra) lúc khoảng 8h sáng, lên 43,52 triệu đồng/lượng (lúc khoảng 8h30) và 43,57 triệu đồng/lượng lúc khoảng 10h30.

Giá vẫn được nâng lên đều đặn cho dù trên thực tế đang cao hơn vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng.

Không cần dùng đến công thức để tính toán, có thể so sánh mức chênh giữa giá trong nước và giá thế giới quy đổi theo như Doji niêm yết lúc 11h55 phút trưa ngày 16/12 là hơn 3,4 triệu đồng/lượng. Khoảng cách này sắp gấp 10 lần so với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra khi bình ổn giá.

Với chênh lệch giá này, tính theo sức mua của người dân trong mấy ngày qua lên đến hàng chục ngàn lượng thì riêng SJC đã thu lợi rất lớn. Còn các DN khác cũng thế, trong xu thế tất cả cùng đồng loạt bắt tay giữ giá thì tất cả cùng được lợi, chỉ có người mua thiệt hại. Nhất là, thị trường vàng trong nước lại thêm một phen sóng gió dù đã tốn bao công bình ổn.

Thuốc bình ổn vô hiệu


Thực tế này đã khiến rất nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu NHNN đã thất bại sau khi rầm rộ tung ra các biện pháp gần đây, trong đó có một độc chiêu là thu về một mối, không cho các doanh nghiệp khác ngoài SJC được sản xuất vàng miếng. Và tiến tới là độc quyền nhãn hiệu SJC để chống lại tình trạng loạn giá.

Rất có thể biện pháp này mang tính dài hơi. Tuy nhiên, trước mắt phần thiệt vẫn thuộc về người dân và chưa thấy có cơ quan chức năng nào lên tiếng.

Điều lại kỳ hơn là, để bình ổn giá, các DN và ngân hàng đã được cấp quyền kinh doanh vàng tài khoản để liên thông với giá thế giới. Nhằm cân bằng giá trong nước với thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, điều đó chưa được thể hiện. Đáng nói hơn, với mức chênh lệch đến 3,4 triệu đồng, cao không kém những vụ loạn giá trước đây thì xem ra bình ổn đang ở đâu. Liệu có phải mục tiêu bình ổn đã bị các DN gạt sang một bên để kiếm lãi?.

Và trong điều kiện này, một vài ý kiến lại cho rằng, để hạ nhiệt giá vàng, Ngân hàng Nhà nước có thể cho nhập vàng vật chất. Tuy nhiên, nếu như thế thì chính sách bình ổn vàng theo cách "mỡ nó rán nó" coi như phá sản.

Bên cạnh đó, nếu Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập vàng, giá USD tự do sẽ tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định tỉ giá. Do vậy, trước mắt Ngân hàng Nhà nước có thể cho ngân hàng chuyển hóa từ vàng thành tiền, giúp tăng nguồn cung vàng trong nước, hạ nhiệt tỉ giá.

Được biết, khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới gần 2 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Công ty SJC và một số ngân hàng được dùng số vàng trong tay để bán ra, đồng thời mua cân đối vàng tài khoản ở nước ngoài nhằm san bằng cách biệt này.

Tuy nhiên, sau khi các đơn vị này được mở tài khoản vàng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới ngày càng rộng thêm. Xem ra, các DN sau khi đòi được quyền kinh doanh vàng tài khoản đã quên đi nhiệm vụ bình ổn. Ngân hàng Nhà nước hy vọng tính liên thông qua vàng tài khoản sẽ giúp ổn định giá trong nước, nhưng có lẽ cơ quan quản lý không ngờ điều này lại bị vướng bởi các DN đang tranh thủ kiếm lãi mà quên đi nhiệm vụ bình ổn.

Theo các công ty vàng, chênh lệch lớn do giá vàng thế giới giảm quá mạnh, vì vậy giá vàng trong nước chưa thể theo kịp. Tuy nhiên theo các chuyên gia trong nghề, giá vàng trong nước neo cao do một số ngân hàng và công ty vàng mua vàng tài khoản ở nước ngoài từ cuối tuần qua đã bị lỗ do giá vàng thế giới giảm quá mạnh.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cấp phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài nhưng chỉ có 1-2 đơn vị kinh doanh, số còn lại không mặn mà do đợt can thiệp vừa qua nhiều đơn vị bị lỗ khi giá vàng thế giới giảm và tỉ giá tăng. Hơn nữa, gần cuối năm không ngân hàng nào muốn kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng.

Nếu như thế, xem ra bài bình ổn giá đã không hữu hiệu khi những toa thuốc quyết định xem ra đã không có hiệu quả. Mục tiêu bình ổn giá với các thức hiện nay và những nhân tố hiện nay e rằng chưa thể sớm thành hiện thực.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF