Top

Nhà cho người thu nhập thấp: tắc vốn

Cập nhật 10/07/2010 10:40


Cho dù có xây được nhà ở xã hội, người thu nhập thấp nếu không được hỗ trợ vốn, vẫn không mua được nhà. Ảnh: Lê Quang Nhật
Sau một năm triển khai, số dự án đăng ký trên cả nước có 263 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và 264 dự án nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, với tổng mức đầu tư dự kiến 132.700 tỉ đồng. Theo các doanh nghiệp, đăng ký nhiều, nhưng thực tế rất khó triển khai thực hiện, có phần do không tiếp cận được vốn ngân hàng.

Giám đốc một ngân hàng thương mại ở TP.HCM cho biết, hiện tại các ngân hàng đã bắt đầu cho vay trở lại với những dự án bất động sản nào được họ đánh giá là có tính “hiệu quả cao”.

Ngân hàng khó cho vay


Đối với các dự án nhà ở thu nhập thấp, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp pháp vẫn được xem xét cho vay với vốn ưu đãi. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông thì quá trình xét duyệt hồ sơ các dự án nhà ở thu nhập thấp này thường bị kéo dài vì nhiều lý do. Quy định yêu cầu chủ đầu tư phải nhận hồ sơ mua nhà và xét điều kiện của từng người mua; danh sách người mua nhà đủ điều kiện phải gửi về sở Xây dựng thành phố để “hậu kiểm”, còn giá bán nhà do Nhà nước quy định. Như vậy doanh nghiệp không chủ động quyết định đầu ra căn hộ mà phụ thuộc các cơ quan chức năng.

Trên thực tế đã có không ít trường hợp như vậy. Điển hình dự án nhà thu nhập thấp tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức do công ty cổ phần N.V.T là chủ đầu tư, dù đã làm xong nhà mẫu, gần xong móng, nhưng sở Tài chính không duyệt phương án giá mà cứ “treo” từ năm này qua năm khác. “Chính vì không được duyệt giá mua, giá bán nên công ty không thể huy động vốn hay vay ngân hàng để xây dựng. Hậu quả là chúng tôi đã bị lỗ khoảng 8 tỉ đồng và đành phải chuyển dự án sang kinh doanh thương mại”, lãnh đạo công ty cho biết.

Nguồn tiền khác?

Không chỉ doanh nghiệp, các đối tượng thu nhập thấp, muốn mua nhà ở xã hội, cũng cần vay tiền. Tuy nhiên, hiện nay kênh hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng này vẫn còn quá thiếu. Các ngân hàng thì hầu như chỉ thích cho vay các đối tượng thu nhập cao, ít rủi ro.

Những người có thu nhập thấp chỉ có thể tìm đến vay tiền của các tổ chức tài chính nhà nước nhưng cũng không phải là dễ dàng. Đơn cử như tại TP.HCM, quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM là tổ chức tài chính nhà nước, được thành lập và thực hiện những nhiệm vụ do UBND TP.HCM giao trong việc đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố, đầu tư trực tiếp tạo lập quỹ nhà, góp phần giải quyết khó khăn về vốn cho đối tượng thu nhập thấp và các dự án nhà ở thuộc chương trình nhà ở của thành phố. Tuy nhiên, cho tới nay, những đối tượng vay vốn từ quỹ này phần lớn là cán bộ viên chức được hưởng lương từ ngân sách thành phố, còn những đối tượng có thu nhập thấp khác thì vẫn chưa thể tiếp cận.

Tính đến hết quý 2/2010, đã có gần 1.000 cán bộ công chức thành phố thuộc đối tượng vay đã được quỹ Phát triển nhà ở giải quyết yêu cầu vay, trong đó đã thực hiện giải ngân cho 522 cán bộ công chức đã tìm được nhà với tổng số tiền trên 132 tỉ đồng. Số cán bộ công chức còn lại đang làm hồ sơ nhà hoặc đang tìm nhà để mua nên chưa thực hiện giải ngân.

Theo ông Lê Văn Hoà, giám đốc quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM, nguyên nhân chính khiến cho việc vay vốn từ quỹ còn khó khăn là do đối tượng cho vay hiện nay còn hạn chế, thêm vào đó hạn mức vốn vay tối đa chưa cao, trong khi giá trị một căn nhà thì ngày càng tăng. Hiện nay, quỹ đã có những kiến nghị lên lãnh đạo thành phố trong việc mở rộng đối tượng và điều kiện cho vay nhằm hỗ trợ tốt hơn nhu cầu vay vốn mua nhà của người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị