Ngân hàng o bế khách để giữ tiền. Ảnh: TL. |
Để bù đắp lượng tiền đồng thiếu hụt do nhu cầu rút tiền thanh toán công nợ, trả lương, thưởng của doanh nghiệp tăng cao trong dịp tết, các ngân hàng đang tìm nhiều cách để xoay xở.
Huy động bằng lãi suất cao
Không chỉ có khuyến mại, các ngân hàng cũng tìm cách huy động bằng nhiều phương thức khác. Trong 3 tháng qua, lãi suất huy động vàng đã liên tục bứt phá, chạm hết mốc này đến mốc khác. Từ dưới 1%/năm trong tháng 9-2011 ở hầu hết các ngân hàng, đến giữa tháng 10 lãi suất huy động vàng đã liên tục đi lên, vượt qua mốc 2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, và hiện tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn đang niêm yết mức lãi suất lên đến 3,5%/năm.
Và không chỉ vàng, lãi suất huy động ngoại tệ cũng tăng cao. Lãi suất áp dụng cho đồng euro, đô la Úc, Canada có kỳ hạn lên tới 4%/năm.
Việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động vàng được các chuyên gia trong ngành đánh giá là do các ngân hàng nhỏ dùng vàng để thế chấp vay tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng để bù đắp thanh khoản, nhất là đang vào mùa căng thẳng huy động. Còn đối với ngoại tệ huy động được, ngân hàng cũng sẽ chuyển đổi nhằm tăng lượng tiền đồng.
Mặt khác, ngân hàng hiện nay đã huy động vượt trần lãi suất 14%. Theo một chủ doanh nghiệp kinh doanh lương thực cho biết đã có hiện tượng ngân hàng chào mức lãi suất huy động vượt trần 14% cho các khoản tiền gửi trên 500 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online gần đây, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng vấn đề của ngành ngân hàng hiện nay là sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính, gây ra sự méo mó thị trường, trong đó có việc quy định trần lãi suất. Mới đây, trao đổi với báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ tiến tới việc xóa trần lãi suất huy động.
Đua khuyến mại, o bế khách
“Cứ đi gửi tiền là có khuyến mại, bất kể ngân hàng nào”, nhân viên kinh doanh của một ngân hàng lớn ở quận 5, TPHCM khẳng định. Trong mùa này, nếu không có chương trình khuyến mại thì không cách nào giữ được các khoản tiền gửi của khách hàng. Anh này cho biết, việc đưa ra các chương trình dự thưởng là nhằm buộc khách hàng cam kết không rút tiền trước hạn, giúp cho ngân hàng không bị rơi vào thế bị động khi khách hàng chỉ gửi một thời gian rất ngắn rồi rút. Đồng thời cũng là cách để ngân hàng có thêm khách hàng mới đến gửi tiền.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - ngân hàng vừa hợp nhất và chính thức hoạt động - chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng lên tới 32 tỉ đồng. Đây là con số lớn nhất trong các chương trình khuyến mại mà các ngân hàng đưa ra trong dịp này. Chương trình “Hợp nhất triệu lộc xuân”, bắt đầu từ ngày 3-1 đến ngày 31-3, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 5 triệu đồng trở lên.
Sau khi thành công với chương trình “Cuối tuần SH, cuối kỳ Camry”, hiện tại Ngân hàng Việt Á đang áp dụng chương trình “Gửi tiền trúng thưởng: Mỗi ngày trúng tiền – Cuối tuần trúng lượng – Cuối kỳ trúng ký vàng SJC” được triển khai từ ngày 9-1 đến hết ngày 24-3. Tổng giá trị giải thưởng lên đến gần 12 tỉ đồng. Một đại diện của Ngân hàng Việt Á cho biết nhờ những chương trình này mà trong thời gian qua lượng tiền bị rút ra khỏi hệ thống không tăng đột biến, ngân hàng có thể dự trù được các khoản bị rút theo ngày để cung ứng kịp thời.
Trong khi đó, theo ông Võ Tiến Đạt, Giám đốc chi nhánh quận 1 của Ngân hàng VIB, ngân hàng ông đang có chương trình “Ba cơ hội trong tay, nhận ngay quà Tết”. Giải thưởng giá trị nhất là 1 kg vàng 9999 SJC, trị giá hơn 1,1 tỉ đồng. Việc đưa ra các chương trình khuyến mại theo ông Đạt là nhằm tăng lượng vốn huy động và khuyến khích khách hàng không rút tiền khỏi ngân hàng. Ông cho biết, trong 2 tháng trở lại đây, lượng tiền rút khỏi chi nhánh do doanh nghiệp cần trả lương, thưởng… tăng khoảng 15-20% so với các tháng trước nên ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đưa ra các chương trình khuyến mại.
Không chỉ khuyến mại, nhiều chương trình chăm sóc khách hàng cũng được các ngân hàng triển khai cho từng chi nhánh. Theo một nhân viên của Maritime Bank, chỉ cần khách hàng có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, hay chỉ đơn thuần là mở tài khoản thanh toán cũng sẽ có nhân viên đến tận nhà để hỗ trợ làm thủ tục, khách hàng không cần phải đến ngân hàng.
Trong khi đó, tại Ngân hàng Phương Đông, nhân viên một phòng giao dịch tại TPHCM cho biết, đối với các doanh nghiệp lớn, để giữ tiền của họ vẫn nằm trong ngân hàng qua các hình thức tiền gửi tiết kiệm thì đích thân giám đốc chi nhánh đến tận doanh nghiệp để tặng quà tết và mời cả khách hàng đến dự tất niên chung với ngân hàng.
Đại diện ban lãnh đạo ngân hàng Phương Đông cho biết việc căng thẳng về vốn vào cuối năm đã thành thông lệ nên ngân hàng đã dự báo được tình hình này và kịp thời chuẩn bị các phương án tăng vốn huy động để đáp ứng cho nhu cầu rút tiền của doanh nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: