“Trước tình trạng các NH nhỏ đua nhau trả thêm lãi suất, khuyến mãi, chúng tôi cũng buộc phải điều chỉnh và đưa ra chính sách mới về lãi suất huy động nhằm giữ và lôi kéo khách hàng”, trưởng phòng giao dịch một NH lớn có trụ sở tại TPHCM cho biết.
Trưởng phòng giao dịch ngân hàng này cũng cho biết thêm, nhưng tăng thêm bao nhiêu, 1% hay 1,5%/năm cũng tùy thuộc vào đối tượng khách hàng
Hò nhau tăng
Rảo quanh một vòng tại các phòng giao dịch NH lớn nhỏ, mặc dù trên bảng điện tử vẫn là những biểu lãi suất tuân thủ theo quy định. Tuy nhiên, khi có nhu cầu gửi thật sự, khách hàng đều được các nhân viên NH “tư vấn” rõ ràng những mức lãi suất khác nhau.
Theo quan sát thì mặt bằng chung hiện nay của lãi suất VND kỳ hạn một tháng là 11,5-12%/năm với khoản tiền trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi NH còn có những chương trình “tri ân” cho khách hàng theo mỗi kiểu khác nhau. Có NH thì điều chỉnh tăng thêm cho khách hàng 0,5% nếu tiếp tục gửi lại khi đáo hạn, hay áp dụng lãi suất 13% hoặc cao hơn nếu khách hàng có khoản tiền gửi 1 tỉ đồng trở lên.
Thậm chí, có NH còn tính lãi suất 12% ngay cả những khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng. Các nhân viên NH cũng hướng dẫn khách hàng tách làm nhiều sổ tiết kiệm để đề phòng trường hợp có nhu cầu rút tiền đột xuất có thể linh hoạt rút một phần tiền mà không bị giảm số tiền lãi. Và không chỉ VND, cuộc đua lãi suất huy động đối với USD cũng bắt đầu được “hâm nóng”.
Hiện nay, trần huy động USD là 2% tuy nhiên các NH đã bắt đầu gia tăng lãi suất huy động dần lên 2 - 4 thậm chí 5%. Theo nhiều khách hàng, chỉ cần gửi 20.000USD thì khách hàng hoàn toàn dễ dàng có được lãi suất 3%. Mức tiền gửi cao hơn sẽ được điều chỉnh lãi suất thỏa thuận tăng lên.
Còn về dịch vụ chăm sóc thì miễn bàn. Vẫn là những cách làm cũ nhưng hiệu quả. Nếu khách còn gửi tiền ở NH khác mà có ý định chuyển sang thì NH sẽ hỗ trợ thủ tục chuyển tiền, thậm chí cử nhân viên đi cùng để lấy tiền trực tiếp về hộ khách hàng. Với những khách hàng có tiềm năng, các nhân viên NH còn khai thác nguồn vốn với nhiều dạng khuyến mãi và thậm chí là sẵn sàng chia thêm tiền thưởng doanh số cho khách hàng để có được những nguồn tiền lớn, hay các quà tặng có giá trị. Tóm lại, khách hàng là thượng đế?
Bóng ma nợ xấu là nguyên nhân?
Một điều dễ dàng thấy rõ là tuy tín dụng tăng chậm nhưng đổi lại, không ít NH vẫn gặp khó khăn thanh khoản do khó thu hồi nợ xấu cũ nên vẫn tiếp tục tăng huy động vốn. Trong khi đó, sự mất cân đối giữa huy động vốn và cho vay của hệ thống NH đang dần nới rộng. Tính đến cuối tháng 9.2012, dư nợ tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng hơn 1,8% so với đầu năm, trong khi vốn huy động tăng trưởng trên 11%.
Trong tình trạng này, có thể thấy mức dư nợ tín dụng cả năm ở từ 8 - 10% như NHNN đã tuyên bố trước đây khó có thể đạt được và đặc biệt tình trạng nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải nhất trong kinh tế vĩ mô hiện nay. Theo công bố của NHNN, đến hết tháng 3.2012, nợ xấu của các NH vào khoảng 8,6% tổng dư nợ. Song theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, con số nợ xấu thực tế còn cao hơn nhiều và vẫn có xu hướng tăng nhanh do “sức khỏe” của DN đã giảm sút nghiêm trọng.
Nguy hiểm hơn là ở chỗ, những nguồn thông tin chính thức lại không thống nhất với nhau về con số chính xác của khoản nợ xấu này khiến cho vấn đề khó được giải quyết nhanh chóng. Hệ thống NH đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn do các NH lách hạn mức tín dụng, che giấu các khoản nợ xấu, khiến cho việc kiểm soát khó khăn, ảnh hưởng lớn tới thanh khoản và hoạt động của toàn hệ thống.
Nợ xấu tăng cao đe dọa thanh khoản của hệ thống NH, khi một lượng tiền lớn cho vay ra không quay về, NHTM lại phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Thậm chí, vốn điều lệ hiện nay của nhiều NHTM không đủ để xử lý nợ xấu. Có hiện tượng một số NH nhỏ đang không có tài sản thế chấp để vay trên thị trường liên NH, cũng không có giấy tờ có giá để vay trên thị trường mở nên đã sẵn sàng nâng lãi suất. Tình trạng này thể hiện sự bất ổn của nền kinh tế. Trong khi DN đang sống dở chết dở thì tiền vẫn chạy lòng vòng không đưa vào sản xuất.
Nợ xấu tăng đột biến. Theo khảo sát của CTCP báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây, năm 2012 là một năm kinh doanh khó khăn đối của ngành NH. Cho tới hết quý II/2012, nhiều NH chỉ đạt 20-30% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm.
Các NH khác dù đã đạt được 50% chỉ tiêu cũng xem xét điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cả năm trong tháng 7 do đánh giá tình hình kinh tế biến động không thuận lợi và không nhiều khả năng tăng tín dụng cho tới hết năm. Rất nhiều NH, lợi nhuận trong nửa năm 2012 thấp hơn cùng kỳ năm trước đó.
Các NH Việt Nam gặp phải các vấn đề liên quan đến nợ xấu tăng đột biến trong các tháng đầu năm 2012. Và lời kết mà bản báo cáo dành cho bức tranh toàn cảnh hiện nay là “ Việt Nam đang đứng trước thử thách khó khăn nhất của giai đoạn khủng hoảng là cải tổ hoạt động của toàn bộ ngành NH”.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: