Top

Ai sẽ huy động vàng sau ngày 25-11?

Cập nhật 25/09/2012 09:50

Chỉ còn đúng hai tháng nữa các ngân hàng sẽ không được phép phát hành chứng chỉ vàng mà chuyển sang trạng thái giữ hộ vàng.

Hiện nay, nhiều người rất quan tâm đến quyết định chấm dứt huy động vàng từ ngày 25-11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Liệu quyết định này có được thực hiện đúng thời hạn?

Nên tiếp tục huy động

Một số ngân hàng đang âm thanh khoản về vàng và có thể đến tận ngày 25-11 cũng không cân bằng được trạng thái. Đấy là chưa kể nếu người dân gửi vàng tại ngân hàng thấy không có lãi nên quyết định rút ra khi đến hạn…

Một số chuyên gia cho biết số vàng hiện nằm trong dân khoảng 500 tấn. Còn số vàng các ngân hàng đang giữ của người dân dưới hình thức tiết kiệm khoảng 100 tấn.Nếu 500 tấn vàng được khơi thông thì đây sẽ là nguồn lực tài chính lớn cho nền kinh tế. Và rõ ràng số vàng này có thể chuyển hóa sang USD trên thị trường quốc tế. Thế nên đừng đặt ra vấn đề có nên tiếp tục huy động vàng hay không mà chắc chẳn phải huy động vàng.

Đối với một nền kinh tế đang phát triển, theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), việc để người dân giữ vàng không phải là điều tốt. 500 tấn vàng không được luân chuyển nghĩa là số tiền hơn 25 tỉ USD kia không giúp ích cho nền kinh tế. “Chưa kể việc giữ vàng vật chất dễ gây mất trật tự an ninh xã hội và đâu đó vẫn còn tình trạng mua bán bằng vàng như một phương tiện thanh toán” - ông Hải nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định với việc đang bị âm thanh khoản về vàng thì tình hình sau ngày 25-11 có thể đẩy một số ngân hàng rơi vào trạng thái mất thanh khoản. Vì trước đó một số ngân hàng đã bán ra quá nhiều và tạo một lỗ hổng về thanh khoản.

Không ít người dân gửi vàng ở ngân hàng để nhờ giữ giùm chứ không phải vì lãi suất. Ảnh : HTD

Bên cạnh đó, có ý kiến thắc mắc từ sau ngày 25-11, người dân có thể làm gì với số vàng đang nắm giữ. Một lãnh đạo ngân hàng cho rằng người dân nên bán ra lấy VND gửi tiết kiệm lãi suất cao. Tuy nhiên, gửi tiết kiệm phải có kỳ hạn, nếu gửi không kỳ hạn thì lãi suất quá thấp nên sẽ không có nhiều người chọn cách này. Mà lúc này chưa phải là thời điểm để tái đầu tư bất động sản vì giá đất được dự báo còn xuống nữa. Do đó, các chuyên gia cho rằng trước mắt thói quen giữ vàng của người dân vẫn chưa thể thay đổi được.

Tình hình không đáng lo!

Để giải quyết vấn đề này, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, NHNN phải cứu đỡ bằng cách bơm vàng cho một số ngân hàng từ lượng vàng dự trữ hoặc cho phép ngân hàng mua vàng tài khoản. “NHNN cũng nên dự trù USD sẵn sàng cho việc nhập khẩu vàng vật chất” - ông Hiếu nói.

Thế nhưng ngay cả khi NHNN không kéo dài thời hạn phát hành chứng chỉ vàng, ông Trần Thanh Hải (VGB) vẫn cho rằng không nên lo người dân rút hết vàng. Thời hạn gửi vàng của mỗi người khác nhau. Người sáu tháng, một năm hoặc dài hơn, một số người còn sẵn sàng gửi vàng tại ngân hàng để nhờ giữ hộ vì mức phí bỏ ra không đáng kể. “Tuy nhiên, mong muốn tất cả số vàng nằm trong dân sẽ chuyển hết vào ngân hàng giữ hộ là điều không thể” - ông Hải khẳng định.

Chúng tôi đã báo tình hình thị trường vàng lên NHNN. Trong đó nói rõ trạng thái vàng của một số ngân hàng, cung cầu trên thị trường vàng... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chỉ đạo mới từ NHNN. Vẫn còn hai tháng nữa mới đến ngày 25-11, vẫn còn sớm để nói điều gì.

Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM
Theo ông, muốn thu hút được lượng vàng trong dân phải nâng lãi suất chứng chỉ vàng lên cao. Ngoài ra, NHNN có thể cho một số tổ chức, ngân hàng được phép mua bán vàng trên tài khoản.

Tổng giám đốc một ngân hàng phân tích, vào cuối năm 2011, để rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, NHNN đã cho phép năm ngân hàng có kinh nghiệm kinh doanh vàng mở vàng tài khoản ở nước ngoài cùng với Công ty SJC tham gia bình ổn thị trường vàng. Theo đó, những ngân hàng này được phép bán 30% số vàng tồn quỹ để can thiệp thị trường. Như vậy, bản thân số vàng tồn kho của các ngân hàng không phải là lớn mà tỉ lệ được phép bán ra cũng không nhiều. Cứ cho rằng các ngân hàng đã bán vượt tỉ lệ ấy thì vẫn nằm trong số vàng tồn quỹ. Tuy nhiên, suốt một năm qua ngân hàng đã mua dần vàng vào. Bởi vậy, vấn đề trạng thái vàng của một số ngân hàng không đáng bàn nữa. “Cái cần đề ra lúc này là chủ thể huy động vàng là ai, NHNN hay các ngân hàng thương mại như hiện nay? NHNN đang độc quyền sản xuất vàng miếng nay độc quyền huy động vàng miếng sẽ tốt hơn. NHNN có thể dùng các công cụ kinh tế và các ngân hàng thương mại làm đại lý để huy động” - vị tổng giám đốc này nói.

Theo ông, khi có số vàng này NHNN có thể mang đi cầm và vay để lấy ngoại tệ về phục vụ cho nền kinh tế.

Vì sao ngân hàng bị âm trạng thái vàng?

Thời gian gần đây, thị trường tài chính biến động mạnh khiến tâm lý người dân dao động, một số người đã rút vàng trước hạn tại ngân hàng. Bên cạnh đó, vào thời điểm giá vàng ở mức 41-42 triệu đồng/lượng thì lãi suất huy động vàng chỉ 0,5% nhưng lãi suất cho vay là 13%-14%. Tưởng rằng vàng khó lên đến 45-46 triệu đồng/lượng, một số ngân hàng bán vàng ra lấy VND để cho vay. Khi giá vàng lên cao, một số ngân hàng buộc phải mua vào cắt lỗ. Mặt khác, thời gian qua một số ngân hàng có hỗ trợ thanh khoản vàng cho nhau nên sau khi “cho đi” thì phải mua về để cân bằng trạng thái. Những nguyên nhân trên đã cho thấy một số ngân hàng đang bị âm trạng thái vàng.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP