Theo một số chuyên gia, lãi suất cao hay thấp không đáng lo, miễn phù hợp với cân đối vốn của ngân hàng và diễn biến của thị trường.
Hình minh họa
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản cảnh báo những nhà băng chạy đua tăng lãi suất huy động lên mức khá cao, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu lãi suất huy động có thực sự đang tạo nên rủi ro cho hệ thống ngân hàng hay đây là sự cạnh tranh hợp lý?
Dưới góc nhìn của một số nhà băng, cảnh báo của NHNN là cần thiết, tránh để cuộc đua lãi suất huy động lan rộng ra nhiều ngân hàng thương mại khác và gây ảnh hưởng đến chủ trương giảm lãi suất cho vay.
Theo giám đốc tín dụng của một ngân hàng thương mại, không có dấu hiệu căng thẳng thanh khoản ở các ngân hàng, việc tăng lãi suất huy động chủ yếu ở kỳ hạn dài nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ nguồn vốn của NHNN. Do đó, làn sóng này chỉ diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng có quy mô nhỏ.
Mặt khác, càng vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn kinh doanh của khách hàng càng lớn. Đó là chưa kể tỷ giá VND/USD đang có áp lực tăng khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất VND ở mức cao nhằm hạn chế việc khách hàng rút VND để mua USD găm giữ…
Tuy nhiên, vị này tỏ ra lo ngại xu hướng tăng lãi suất huy động nếu tiếp diễn sẽ khiến lãi suất cho vay tăng. Chẳng hạn, huy động vốn với lãi suất 9 – 10%/năm thì lãi vay sẽ phải ở mức 12 – 13%/ năm. Khi đó, áp lực chi phí đối với hoạt động của nhóm doanh nghiệp này sẽ tăng lên.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, lại có góc nhìn khác: “Nhiều người cho rằng việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động là cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, theo tôi, họ đang đi vào guồng cạnh tranh một cách rất khốc liệt. Mức lãi suất của ngân hàng đưa ra là cái điểm mà hai đường biểu diễn cung và cầu gặp nhau, đó là cái giá của thị trường, được thị trường chấp nhận, nên tôi không nghĩ là nó đang hoạt động không lành mạnh”.
Theo ông Hiếu, hiện nay, NHNN đang áp trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%, còn lại cho phép các ngân hàng thỏa thuận lãi suất với khách hàng. Do đó, việc các ngân hàng đưa ra mức huy động như thế nào là phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và cơ chế lãi suất thị trường của họ. Nếu các ngân hàng huy động vốn cao thì người hưởng lợi chính là người dân. Còn nếu các ngân hàng mà dùng vốn đó kinh doanh không có lời, thì chính là họ đang tự “bắn” vào chân mình.
Đồng tình với ông Hiếu, một số chuyên gia khác cho rằng, với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, nếu các ngân hàng áp dụng mức lãi suất như niêm yết thì không có gì phải lo ngại.
Tuy nhiên, văn bản của NHNN nhằm chấn chỉnh một số ngân hàng có tình trạng “lách luật”, “đi đêm” lãi suất với những khoản tiền gửi lớn của khách hàng dưới 6 tháng, phương thức phổ biến nhất là ghi lãi suất trên sổ tiết kiệm, còn phần chênh lệch thì trả dưới hình thức tặng tiền vào tài khoản. Trong quá khứ, những trường hợp chi lãi ngoài sai quy định của NHNN đã bị xử lý rất nặng.
Trước đó, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh mức lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, ABBank đã tăng lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 6 tháng lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, tăng lần lượt 0,7%/năm và 0,8%/năm so với mức trước đó.
Trong khi đó, VIB đưa ra chính sách ngày vàng hút tiền khi đẩy lãi suất lên đến đỉnh 9,1%, áp dụng từ ngày 20-24/8, gửi kỳ hạn càng dài lãi càng lớn. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất là 8,1%/năm, 12 tháng là 8,3%/năm, 18 tháng là 8,6%/năm và 61 tháng là 9,1%/năm (kỳ hạn 61 tháng được phát hành dưới dạng chứng chỉ tiền gửi).
Tương tự, kể từ ngày 22/8, VPBank áp dụng biểu lãi suất mới. Tại kỳ hạn 6 tháng, nếu khách hàng gửi dưới 300 triệu đồng có lãi suất 7,4%/năm, từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng là 7,7%/ năm, 1 tỷ đồng trở lên là 7,9 – 8%/năm. Nếu gửi từ 18 tháng trở lên, tùy từng khoản tiền mà lãi suất dao động từ 7,6 – 8,2%/năm.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: