Việc các đại lý phát hành chuyển hướng bán trái phiếu doanh nghiệp địa ốc sang cho các nhà đầu tư cá nhân trong thời gian gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc.
Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng trong thời gian gần đây
Lãi suất hấp dẫn vượt tiết kiệm
Chị Mai Thuỷ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có một khoản tiền tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng đến hạn tất toán. Khi qua ngân hàng làm thủ tục rút tiền, chị được nhân viên tại quầy giao dịch tư vấn chuyển khoản tiền sang mua trái phiếu doanh nghiệp do một doanh nghiệp bất động sản phát hành với lãi suất 11%/năm, cao hơn nhiều so với mức lãi suất gửi ngân hàng chỉ 7-8%/năm.
Tương tự, anh Tuấn, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng cho hay, mới đây anh có nhận được email tư vấn từ nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán. Email này có thông tin đáng chú ý về gửi tiết kiệm lãi suất lên tới 11%/năm vào trái phiếu của một doanh nghiệp địa ốc.
Theo đó, công ty địa ốc trên dự kiến phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất 11%/năm, kỳ hạn 24 tháng. Nhà đầu tư sẽ được thanh toán lãi 6 tháng/lần và được quyền bán lại trái phiếu trước hạn tối đa 30% tại thời điểm tròn 12 tháng kể từ ngày phát hành. Mục đích sử dụng vốn được công ty này dùng để mua quỹ đất, dự án cũng như tăng quy mô vốn cho hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động.
Trên thực tế, có thể thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, từ 2013 - 2018, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc.
Bộ Tài chính cho biết, riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018, trong đó, ngân hàng thương mại phát hành 36.700 tỷ đồng (chiếm 36%), doanh nghiệp bất động sản là 22.122 tỷ đồng (19%), lượng phát hành của công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp khác.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân là 9,5%-11%/năm. Nhìn tổng thể là bằng và cao hơn khoảng 0,5% so với mức cho vay phổ biến của các ngân hàng thương mại. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới hết tháng 6/2019 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ 2018, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020.
Cận trọng với những lời "đường mật"
Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần chứng khoán Quân đội (MBS) cho thấy, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hiện được bán theo phương thức phát hành riêng lẻ với tỷ trọng từ 93-95%, do điều kiện phát hành thông thoáng hơn phát hành đại chúng.
MBS cũng cho biết, các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm là những trái chủ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp do có tiềm lực về vốn, khả năng tiếp cận thông tin nhanh cũng như năng lực phân tích đầu tư chuyên nghiệp.
Mặc dù vậy, việc các đại lý phát hành chuyển hướng bán trái phiếu doanh nghiệp sang cho các nhà đầu tư cá nhân trong thời gian gần đây đã tạo ra những e ngại ban đầu về việc nhà đầu tư cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thẩm định dự án và đánh giá thông tin doanh nghiệp trước khi đầu tư.
Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển nhanh trong thời gian qua vì các doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn để sản xuất kinh doanh trong khi tăng trưởng tín dụng có xu hướng được quản lý chặt chẽ hơn, nhất là các lĩnh vực còn nhiều rủi ro như bất động sản.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.
“Lãi suất một số đợt phát hành cao từ 13- 14%, cá biệt có doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 14-15% cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác. Tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro", Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng lưu ý, 70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý. Trong khi đó, vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán theo quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Và 98% các đợt phát hành là riêng lẻ.
Sau ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, qua quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trong các tháng đầu năm 2019 cho thấy hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại còn tiềm ẩn rủi ro, khi một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.
Đặc biệt, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các các ngân hàng thương mại phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp như quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp, nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu…
Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp; trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành. Các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại phải tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng/doanh nghiệp khác...
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: