Top

Mua vàng bình ổn phải gửi lại ngân hàng

Cập nhật 18/10/2011 16:55

Nhiều khách hàng cho biết khi mua từ 5 lượng vàng trở lên tại một số ngân hàng trong nhóm bình ổn, thì được yêu cầu gửi lại nhằm tránh đầu cơ. Lãnh đạo các ngân hàng này lý giải đó chỉ là sự vận động chứ không bắt buộc.

Chị Thanh Lan, Bình Tân, TP HCM cho biết, sáng nay chị đến Eximbank để mua 10 lượng vàng. Tuy nhiên, đến điểm giao dịch nào cũng được khẳng định nếu mua với số lượng từ 5 cây trở lên, chị phải gửi lại ngân hàng. Nếu chị không đồng ý thì nhà băng không thể thực hiện giao dịch.

Nhiều chi nhánh ngân hàng thuộc bắt buộc hoặc khuyến khích khách mua vàng gửi lại để tránh hiện tượng đầu cơ. Ảnh: Công Tâm

Một anh nhân viên tại nhà băng này giải thích: "Với những người mua số lượng lớn, khả năng đầu cơ là rất cao. Do đó, với những trường hợp này, chúng tôi phải yêu cầu gửi lại ngân hàng".

Trong khi đó tại các chi nhánh, phòng giao dịch của Eximbank Hà Nội, gửi lại vàng sau khi mua không nằm trong diện "bắt buộc" mà chỉ là "khuyến khích" gửi lại để hưởng lãi suất. "Gửi vàng có nhiều thuận lợi vì khi muốn bán, có thể bán lại cho chính ngân hàng, rồi dùng tiền đó gửi lãi suất qua đêm hoặc lãi suất tuần trong khi chờ thời điểm thích hợp để mua lại", nhân viên một chi nhánh Eximbank tại Hà Nội tư vấn cho chị Hoàng Lan khi chị tới đây vào chiều qua. Hiện tại, lãi suất cho dịch vụ giữ hộ vàng tại Ngân hàng này là 1,3% một năm cho kỳ hạn một tháng và 1,4% cho kỳ hạn 3 tháng.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng khẳng định, ngân hàng ông không có chủ trương bắt người mua vàng phải gửi số vàng vừa mua vào nhà băng. "Nói chung, chúng tôi chỉ trên tinh thần vận động người dân khi mua vàng thì nên gửi tiết kiệm lại nhà băng để đảm bảo tính an toàn chứ không có chuyện bắt buộc", ông Phước nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Ngân hàng Đông Á, nhiều khách hàng cho hay muốn mua vàng bình ổn tại các phòng giao dịch dù là số lượng ít hay nhiều đều phải gửi vào nhà băng. Anh Nam, một khách hàng kể, chiều qua anh đến phòng giao dịch DongA Bank Nguyễn Thị Thập quận 7, TP HCM để mua 2 lượng vàng. Nhân viên giao dịch cho biết anh muốn mua bao nhiêu cũng có, nhưng với điều kiện, mua xong phải gửi lại. Nếu không đồng ý thì nhà băng không thể bán cho anh.

Khi anh Nam thắc mắc tại sao mua vàng ở ngoài thì được mang về, còn mua ở ngân hàng lại bắt buộc gửi lại. Cô nhân viên này lý giải, đó là chỉ đạo chung của Hội sở đến tất cả hệ thống. Tương tự, chiều qua tại chi nhánh Đông Á Bank tại đường Xuân Thủy, Hà Nội, chị Giang (nhà ở đường Nguyễn Phong Sắc) được nhân viên cho biết chị chỉ có thể mua rồi gửi lại chứ không được cầm về.

Trong khi đó, tại một phòng giao dịch của nhà băng này ở Hà Nội sáng 17/10, khách hàng có thể lựa chọn gửi lại hoặc mua nhưng phải chấp nhận giá cao hơn mức công bố của SJC tại cùng thời điểm.

Hiện tại, lãi suất gửi vàng tại Đông Á Bank thuộc hàng khá cao trong số các ngân hàng thương mại. Khách gửi một tháng được hưởng lãi suất 1,95% và cao nhất là 2% cho kỳ hạn 3 tháng. Tuy nhiên, nhân viên nhà băng nhấn mạnh là họ chỉ giữ hộ vàng chứ không gọi là lãi suất chứng chỉ tiền gửi vàng như trước.

"Vì Ngân hàng Nhà nước bây giờ không cho huy động vàng nữa mà chị, nên bên em gọi là giữ hộ vàng cho chị thôi", nhân viên ngân hàng này phân trần.

Trên website của Đông Á Bank, bảng lãi suất huy động vàng áp dụng từ tháng 5/2011 vẫn chỉ dao động từ 0,2 đến 0,4%. Còn thông tin về dịch vụ giữ hộ vàng cho biết họ giữ "miễn phí" cho khách hàng.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Nguyễn Thị Kim Xuyến cho biết, nhà băng không có chủ trương bắt người mua vàng phải gửi lại ngân hàng. "Ngân hàng Đông Á bán vàng cho tất cả khách hàng có nhu cầu", bà nói.

Tại ba ngân hàng còn lại trong nhóm 5 ngân hàng được bán vàng bình ổn là ACB, Techcombank, Sacombank, khách hàng có thể mua vàng với số lượng lớn cũng không cần gửi lại.

Một nhân viên ngân hàng ACB tại Hà Nội tiết lộ rằng tùy thuộc vào từng thời điểm, ngân hàng sẽ quyết định có cho khách mua vàng cầm về hay không. Ví dụ vào những lúc thị trường biến động khó lường, khách đến mua sẽ không được mang vàng về mà phải gửi lại. "Còn hiện nay thị trường ổn định, khách có thể mua và mang về như thường", người này cho biết.

Riêng tại ACB, khách mua với số lượng lớn từ 10 lượng trở lên rồi gửi luôn tại chỗ thì sẽ được ưu tiên hơn về lãi suất. Ví dụ gửi từ 10 đến 25 lượng được cộng thêm 0,1%, từ 50 lượng trở lên được cộng thêm 0,2% ở từng kỳ hạn. Ngoài ra, khách muốn giá ưu đãi hơn so với mặt bằng chung của thị trường thì phải mua tối thiểu 30 lượng.

Theo nhân viên ở phòng giao dịch ACB Trần Khắc Chân, quận 1, TP HCM, khách muốn mua bao nhiêu vàng cũng có thể đáp ứng được.

Tương tự, mua vàng tại Techcombank cũng không bắt buộc khách phải gửi tại ngân hàng. Tuy nhiên, đại diện nhà băng này cho biết, với những trường hợp khi mua vàng, sau đó khách nhờ ngân hàng giữ hộ và không rút trước hạn sẽ được hưởng mức giá ưu đãi chiết khấu trên giá mua vàng tùy theo từng thời điểm. Ngoài ra, khi có nhu cầu đột xuất, khách có thể chuyển nhượng chứng chỉ gửi vàng giữ hộ của Techcombank. Ngân hàng này khẳng định nguồn cung vàng luôn đảm bảo và có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng nên không hạn chế số lượng mua.

Về giá cả, theo khảo sát của VnExpress.net tại TP HCM, niêm yết bán của cả 5 ngân hàng khá đồng nhất với giá bán của Công ty SJC ở cùng thời điểm. Lúc 14h30 chiều qua, tất cả các phòng giao dịch, chi nhánh của 5 nhà băng đều đồng loạt bán vàng miếng SJC ở mức 44,30 triệu đồng, bằng với giá niêm yết cùng thời điểm của SJC.

Còn tại Hà Nội, giá bán vàng của nhóm các ngân hàng này đều cao hơn niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại TP HCM, nhưng gần như tương đương với giá vàng Công ty SJC công bố tại Hà Nội. "Vì vùng khác nhau nên Ngân hàng không thể bán vàng bình ổn với giá SJC niêm yết tại TP HCM, nhưng giá ngân hàng bán luôn rẻ hơn một chút so với giá của Công ty SJC Hà Nội", một nhân viên ngân hàng Đông Á cho biết.

"Những ngày gần đây, giao dịch vàng khá chậm", một nhân viên của ngân hàng ACB cho biết. Do đó Ngân hàng này phải tung ra Chương trình ngày vàng ACB để kích cầu.

Chủ trương bán vàng bình ổn được Ngân hàng Nhà nước thông qua hôm 6/10, cho phép 5 ngân hàng cùng SJC bán lượng vàng tồn quỹ đã huy động từ dân cư trước đó, đồng thời được mở tối đa 2 tài khoản nước ngoài để cân đối. Biện pháp này là ngoại lệ sau khi Ngân hàng Nhà nước đã cấm tất cả các ngân hàng chuyển đổi vàng huy động được thành tiền đồng để kinh doanh. Tuy nhiên, nó được kỳ vọng sẽ tăng cung nhanh chóng cho thị trường đang trong thế quá nhiều người mua, thay vì phải bỏ đôla ra nhập khẩu như thông lệ. Sau hơn một tuần triển khai, hơn 10 tấn vàng đã được bán ra thị trường. Nhưng khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới vẫn chưa đạt mức kỳ vọng. Nhiều ý kiến lo ngại liều thuốc này vẫn chưa đủ dẹp loạn giá vàng.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress