Top

Lo rủi ro ở hệ thống ngân hàng

Cập nhật 04/11/2011 10:15

Cần phải chủ động hơn trong việc hạn chế rủi ro đối với cho vay bất động sản, trong đó có câu chuyện nâng cao khả năng quản trị

Không chỉ hạn chế cho vay mới, nhiều ngân hàng thời gian qua đã tăng cường siết nợ với các dự án bất động sản. Công ty Địa ốc Dầu khí “buộc” phải giảm giá bán để nhanh chóng đẩy hàng vì nợ vay là một ví dụ.

Trước đó, không ít ngân hàng sau khi có chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát chặt tín dụng, gần như dừng hẳn việc cho vay mới khoản bất động sản để cố gắng giảm dư nợ cho vay phi sản xuất xuống 16%, vào cuối năm nay.

Nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng (Ảnh minh hoạ)

Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt nam Thịnh Vượng (VP Bank), ông Nguyễn Hưng cho biết, nhóm khách hàng bất động sản bị kiểm soát chặt: “Hoạt động cho vay khách hàng đầu tư bất động sản, chứng khoán hết sức hạn chế. Trước đây, tỷ lệ rủi ro của nhóm khách hàng này tính hệ số không cao nhưng bây giờ lên cao 250%. Nghĩa là trước đây có thể cho vay 1.000 tỷ dư nợ thì hiện nay chỉ dám cho vay tối đa 400 tỷ”.

Với nhiều ngân hàng, ngoài việc siết nợ bất động sản, các khoản vay mới đối với lĩnh vực này gần như bị “stop” và chỉ giải ngân đối với những dự án đã ký trước đó. Tuy vậy, nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng. Việc đổ vốn mạnh vào lĩnh vực bất động sản trước đây đang đẩy các ngân hàng thương mại rơi vào vòng xoáy khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu BĐS trên tổng nợ xấu khoảng 8,3% tính đến tháng 6/2011. Bất ổn của thị trường bất động sản khiến nợ bất động sản có nguy cơ trở thành nợ xấu, trong đó tỷ lệ cho vay bất động sản cao chủ yếu lại ở các NHTM quy mô nhỏ.

Thông tin tại Hội thảo “Tài chính và kế toán lĩnh vực bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, dư nợ cho vay bất động sản tại TP HCM là 47%, tại Hà Nội là 16% trong tổng số 245.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, chiếm gần 10% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng, trong đó nợ xấu khoảng 8 - 12%, tương đương 30.000 tỷ đồng.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: “Ngân hàng thu tài sản thế chấp nhưng không bán được, không ai mua thì ảnh hưởng lớn đến khả năng thanh khoản. Các ngân hàng Việt Nam có tín dụng lớn BĐS ngay bây giờ phải rà soát tài sản thế chấp đối với các khoản vay, phải khuyến cáo hạ giá xuống đúng thị trường để nhanh chóng giải quyết, nếu không hệ thống ngân hàng sẽ gặp nguy hiểm lớn về vấn đề rủi ro thanh khoản”.

Theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính khác, nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng tăng. Với bất động sản ngay khi công trình mới nằm trên giấy, chủ đầu tư đã huy động vốn từ người mua nhà. Và chính người tiêu dùng hay các chủ đầu tư thứ cấp lại tiếp tục dùng hợp đồng mua nhà đó vay vốn ngân hàng và tái đầu tư.

Với kiểu vay vốn vòng quanh như vậy, một tài sản bất động sản, hoặc một dự án bất động sản sẽ tiếp cận vay vốn được nhiều ngân hàng. Điều này làm phát sinh nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng, nếu sản phẩm bất động sản không sớm được thanh khoản.

GS TS Trần Ngọc Thơ,Trưởng Khoa Tài Chính doanh nghiệp trường ĐH Kinh tế TP HCM phân tích: “Đáng lo khi ngân hàng đầu tư lớn vào bất động sản, giờ đây bất động sản đóng băng, như quả bom nổ chậm trong hệ thống ngân hàng, Quản trị rủi do của ngân hàng của chúng ta kém. Đây là lúc các ngân hàng phải cùng nhìn lại, và sắp tới quản trị rủi ro là một trong những trụ cột chính trong tái cơ cấu ngân hàng”.

Nợ xấu của các ngân hàng gia tăng bên cạnh nguyên nhân chung là khó khăn của nền kinh tế, về chủ quan thì nguyên nhân đầu tiên do các ngân hàng tự gây nên. Nói đúng hơn, đây là sự trả giá của chính các ngân hàng trong việc kiểm soát cho vay, nhất là đối với bất động sản, một thị trường vốn nhạy cảm và rủi ro.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu rút tỷ lệ tín dụng phi sản xuất, trong đó chủ yếu là bất động sản. Tuy nhiên, với tình hình thị trường khó khăn như hiện nay thì khả năng nợ xấu trong bất động sản sẽ còn tăng. Người ta có thể nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng của những ngân hàng sẽ gánh hậu quả vì cho vay bất động sản với tỷ lệ cao cho dù chưa ngân hàng nào thừa nhận.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Mùi, đối với bất động sản không nên giải quyết theo hướng cho vay thêm nữa. Thị trường sẽ buộc thanh lọc để tìm ra doanh nghiệp nào khỏe sẽ tồn tại, doanh nghiệp nào yếu bị loại.

Bà Nguyễn Thị Mùi nói: “8 ngân hàng đã kiên quyết giảm tín dụng 20- 25% bất động sản. Cứng rắn ngắt vốn vào bất động sản là cần thiết. Cần nhìn nhận dư nợ bất động sản, một cách chủ động, tránh ảnh hưởng thị trường khác. Có ý kiến cho rằng, giá bất động sản giảm xuống 30% cần cứu thì tôi lại cho rằng không cần. Hiện tượng bong bóng trên thị trường bất động sản mới bắt đầu xì hơi, đã đến lúc phải siết lại hoạt động của thị trường bất động sản không thể để tình trạng đầu cơ như thời gian qua”.

Không phải ngẫu nhiên mà kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng, được danh xưng như một kiểu “tái cấu trúc”, đã được Chính phủ và cả Ban Bí thư Trung ương Đảng thông qua. Và động thái tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ là cần thiết, dù chưa xảy ra đổ vỡ của ngân hàng nào.

Trong chỉ đạo mới đây, một mặt Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kéo lãi suất giảm dần phù hợp với lạm phát nhưng tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, yêu cầu các tập đoàn rút vốn ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính. Ngân hàng Nhà nước tập trung quản lý kiểm soát nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng cổ phần cho vay bất động sản.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV News