Tiến sỹ Trần Đình Thiên. |
TS Trần Đình Thiên cho rằng, với mục tiêu lạm phát dưới 10% nhưng lạm phát phải giảm sâu hơn xuống mức 5 - 7% thì doanh nghiệp mới trụ được trong năm "cắn răng vượt khó" này.
Tiếp tục trao đổi về câu chuyện điều hành chính sách năm 2012, TS Trần Đình Thiên cho rằng, với mục tiêu lạm phát dưới 10% nhưng lạm phát phải giảm sâu hơn xuống mức 5 - 7% thì doanh nghiệp mới trụ được trong năm "cắn răng vượt khó" này.
* Năm 2012, mục tiêu Chính phủ đặt ra là lạm phát xuống dưới 10%. Thậm chí, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, lạm phát 2012 sẽ giảm nhờ vào chính sự suy giảm kinh tế thế giới bên ngoài. Theo ông, đà lạm phát 2012 ở Việt Nam sẽ ở mức nào?
- Theo tôi, lạm phát 2012 của Việt Nam giảm chủ yếu là do hiệu ứng của chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã áp dụng trong năm 2011 (và chắc chắn sẽ còn tiếp tục được duy trì trong năm 2012). Nếu biết tận dụng xu thế giảm giá của thế giới thì lạm phát của Việt Nam sẽ giảm thấp hơn.
Tuy nhiên, tôi lưu ý rằng ta chưa bao giờ làm tốt điều này. Trong nhiều năm gần đây, khi giá thế giới thấp, lạm phát các nước đều thấp thì lạm phát Việt Nam lại vọt lên, đứng ở hàng "quán quân" khu vực và thế giới.
Áp lực thực tiễn hiện nay đối với việc hạ thấp lạm phát là rất lớn. Đưa lạm phát xuống thấp không còn là câu chuyện "thành tích" của Chính phủ mà là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Giảm lạm phát xuống 9-9,5% trong năm 2012 từ mức hơn 18% của năm 2011 đương nhiên là một thành tích lớn. Song tôi cho rằng thành tích đó vẫn chưa đủ "mạnh" để "cứu" nền kinh tế.
Nếu lạm phát xuống mức đó thì lãi suất vay vẫn còn rất cao (14-16%/năm), quá cao để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng và nhờ đó, hồi sinh. Cần phải quyết tâm hạ lạm phát xuống thấp hơn nữa, có thể 5-7%. Đà giảm lạm phát cộng với kinh nghiệm đang hỗ trợ quyết tâm của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này.
* Năm 2011, gần 50.000 doanh nghiệp đã phá sản, lãi suất hiện vẫn rất cao, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn tiếp tục. Ông có suy nghĩ thế nào về con số này?
- Vấn đề không dừng lại ở 50.000 hay 60.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, tuy rằng đây đã là con số báo động đỏ. Theo tôi, số doanh nghiệp phải giảm quy mô kinh doanh, sản xuất cầm chừng, nghĩa là sống trong tình trạng "sống dở, chết dở", "cầm chừng", là rất nhiều.
Theo đó, số việc làm và mức thu nhập của lao động cũng giảm mạnh. Nhưng số này không đưa vào thống kê nên con số 50.000 -60.000 doanh nghiệp đóng cửa vẫn chỉ giúp cung cấp một cách nhìn không thực, thậm chí, bị méo mó về thực trạng sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam.
Tình hình khó khăn như vậy thì phải gỡ. Nhưng gỡ như thế nào là vấn đề phải tính. Mấy năm gỡ rồi mà có được đâu. Nghĩa là bài toán rất khó và đang trở nên khó hơn do sự tích đọng khó khăn, yếu kém qua nhiều năm.
* Thả lãi suất thì nguy cơ lạm phát quay trở lại. Theo ông, làm sao để vừa tạo được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sống, vừa không để ảnh hưởng mục tiêu vĩ mô kiềm chế lạm phát?
- Theo tôi, để giải bài toán này, cần tuân thủ hai yêu cầu.
Một là "gỡ" bài bản, hệ thống, không theo kiểu đối phó ngắn hạn, mạnh ai nấy làm, càng không phải theo cách ai vớ được cái gì thì dùng cái đó để chống lạm phát, để thoát thân.
Hai là phải chấp nhận đau đớn để thoát khỏi bệnh tật, phải chịu "trả" chi phí để sửa những cái bị hỏng, để khắc phục những yếu kém. Thậm chí, trong trường hợp nước ta hiện nay, chi phí đó phải lớn. Không nền kinh tế nào điều chỉnh cơ cấu mà không tốn kém, đau đớn. Người xưa từng nói "thuốc đắng dã tật", thậm chí "lấy độc trị độc". Cần có tư duy "đảo logic" như vậy trong hành động thì mới tạo ra đột phá mạnh để thoát khỏi tình trạng gần như "lưỡng nan" hiện nay của nền kinh tế.
Theo cách tiếp cận "chịu đau" như vậy thì sẽ có tổn thất, thậm chí "hy sinh", nhất là đối với các doanh nghiệp. Thắt chặt tiền tệ thì tiếp cận vốn khó, doanh nghiệp sẽ phải "cầm cự", hay phải "nín hơi" lâu. Mà nín hơi lâu trong khi bị yếu sức thì khả năng "ra đi" là rất cao.
Có nhiều "phép" để trị bệnh. Nhưng tôi muốn đề cấp đến một nhóm giải pháp vừa căn bản, vừa cấp thời: đó là mạnh dạn thay đổi hoạt động ngân sách và chi tiêu công theo hướng "siết chặt", lấy phần "dư" để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cộng thêm vào đó là nâng cao trách nhiệm bộ máy để tăng hiệu lực điều hành, củng cố lòng tin của dân. Muốn vậy thì phải ráo riết cải cách căn bản tiền lương trong khu vực nhà nước theo nguyên lý gắn trách nhiệm với tiền lương. Không dễ nhưng phải làm. Cải cách tiền lương đã trở thành chuyện sống còn của bộ máy nhà nước.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: