Trong vòng một tuần, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi đến hai lần với biên độ khoảng 0,5%.
Từ 28/9, Ngân hàng Bản Việt tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm 0,2% mỗi năm cho nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 3-5 tháng, lãi suất mới lên 5,4%. Với tiền gửi online, kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, người gửi còn được cộng thêm 0,1% mỗi năm so với thông thường.
Trước đó, ngày 21/10, ngân hàng này vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 7-11 tháng với mức tăng 0,2% mỗi năm ở mỗi kỳ hạn. Như vậy, chỉ chưa đầy 7 ngày, ngân hàng đã tăng hai lần lãi suất huy động.
Lãi suất một số ngân hàng tiếp tục tăng.
|
Cùng ngày, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng công bố biểu lãi suất huy động tiền đồng mới với bước tăng khá mạnh, lên tới 0,5%. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được điều chỉnh lên 5,2%, kỳ hạn 6 tháng lên 6% mỗi năm (tăng 0,5%); kỳ hạn 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 6,2% mỗi năm. Hiện lãi suất huy động cao nhất của DongA Bank là 7,2% mỗi năm, thuộc về các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần và là lần thứ năm kể từ đầu tháng 8, lãi suất huy động của các ngân hàng được điều chỉnh, với tổng mức hơn 1%. Theo lý giải của nhà băng, động thái tăng này chủ yếu nhằm cân đối lại nguồn vốn, tức thu hút vốn kỳ hạn dài nhiều hơn, phục vụ cho vay trung dài hạn.
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn An - Phó tổng giám đốc điều hành DongA Bank, sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc từ giữa tháng 8, hiện nhà băng này đã được Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho mọi hoạt động trở lại bình thường, trong đó có việc cấp tín dụng.
Theo ông An, động thái điều chỉnh lãi suất tăng đợt này là cơ hội để ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, nhằm chuẩn bị nguồn vốn dồi dào trong những tháng cuối năm khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân đều tăng mạnh. "Việc tăng lãi suất lần này cũng thể hiện sự quan tâm, thay lời cảm ơn đến khách hàng đã tin tưởng và ủng hộ ngân hàng trong suốt thời gian qua", ông nói.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM cũng cho rằng, thời điểm này, nhu cầu vay của doanh nghiệp đang tăng lên. Vì vậy, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay.
Dư nợ cho vay trên địa bàn TP HCM đến cuối tháng 10 ước tăng 9,5% so với cuối năm 2014. Đây cũng là năm đầu tiên sau một thời gian dài bị tắc nghẽn, tín dụng tăng mạnh. Lượng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng rất khả quan, đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 11,77%.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hiện nay mặt bằng lãi suất trên thị trường tài chính có xu hướng gia tăng, mặc dù chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đi vay và để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những biến động trên thị trường tài chính thế giới và Việt Nam, các ngân hàng đang lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động. Chính vì thế, lãi suất cho vay cũng khó có thể giảm thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnexpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: