Top

Lãi suất ngân hàng lại “nhảy múa”

Cập nhật 03/06/2019 13:00

Trước diễn biến leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, việc Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ đã tác động lên tỷ giá, kéo lãi suất tiền đồng tăng dần...

Ảnh minh họa

Dù Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh tình trạng "té nước theo mưa" theo tỷ giá, nhưng trước sức ép của biến động tỷ giá, lãi suất tại các ngân hàng lại "nhảy múa" theo xu hướng tăng, cả về tiết kiệm lẫn cho vay dưới nhiều hình thức.

Với nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thành viên, trong suốt 5 tháng đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất vẫn giữ được sự ổn định cần thiết. Tuy nhiên, trước diễn biến leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, việc Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ đã tác động lên tỷ giá, kéo lãi suất tiền đồng tăng dần. Nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất đầu vào khiến lãi suất đầu ra cũng tăng theo.

Khó duy trì ổn định lãi suất

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết ngày càng có nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp tạo điều kiệm ổn định lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Không chỉ vậy, Ngân hàng Nhà nước còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đồng thời điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các tổ chức tín dụng.

Thực tế, ngay từ đầu năm các chuyên gia đã dự báo 2019 sẽ vẫn là năm của những biến động và bất ổn kinh tế thế giới. Trong nhiều yếu tố, các nhà đầu tư đề cao cảnh giác với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng ít ai có thể ngờ cuộc chiến thương mại này lại leo thang nhanh đến như vậy và đang có nguy cơ lan thành cả chiến tranh tiền tệ.

Các động thái đánh thuế theo kiểu "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán, sự bất ổn của giá các hàng hóa thiết yếu trên thế giới, khiến tỷ giá giữa USD với các đồng tiền khác trên thế giới không ngừng biến động. VND/USD không nằm ngoài xu hướng chung đó.

Tỷ giá tăng nhanh trong thời gian qua khiến nhiều khách hàng gửi số tiền lớn, từ vài tỷ đồng trở lên không chấp nhận mức lãi suất huy động cũ, buộc ngân hàng phải thỏa thuận tăng thêm lãi suất để "giữ chân" khách hàng.

Khảo sát bảng lãi suất của các ngân hàng trong tháng 5/2019, hiện mức lãi suất huy động cao nhất theo công bố của một số ngân hàng khoảng 8,6 - 8,7%/năm với kỳ hạn dài, nhưng một số ngân hàng có thể trả thêm từ 0,2 - 0,5%/năm, hoặc cao hơn (tùy kỳ hạn). Do lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được thả nổi nên các ngân hàng thương mại có thể thỏa thuận lãi suất cao hơn so với lãi suất công bố và việc này không vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, 5 ngân hàng có mức lãi suất cao nhất từ 8,5%/năm trở lên gồm VietABank, TPBank, VPBank, VietCapitalBank và SCB. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác có lãi suất từ 8-8,5%/năm như Nam A Bank, ABBank...

Ngoài ra, ngân hàng còn tăng lãi suất tiết kiệm online. Nếu lãi suất tiết kiệm trực tuyến trước đây phổ biến được cộng thêm ở mức 0,2%, nay được các ngân hàng tăng mạnh. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm online hiện nay tại các ngân hàng dao động từ 0,5-1%/năm và không đưa ra hạn mức tiền gửi. Tất cả được thực hiện thông qua ứng dụng Mobile Banking mọi lúc mọi nơi với cả gửi và tất toán sổ tiết kiệm.

Tại Nam A Bank, tiết kiệm trực tuyến là một trong những sản phẩm tiền gửi nổi bật nhờ sự tiện lợi, an toàn. Ngân hàng này áp dụng lãi suất gửi tiền trực tuyến cao hơn 1%/năm so với khi gửi tại quầy và là ngân hàng có lãi suất gửi tiền tiết kiệm trực tuyến cao nhất hiện nay.

Ngoài ra, với những khách hàng lớn tuổi từ 50 tuổi trở lên, khi gửi tiền online cũng nhận được những ưu đãi tương tự, chẳng hạn tại Techcombank, Eximbank, ABBank... nhóm khách hàng này cộng thêm lãi suất từ 1-2%/năm.

Một vài ngân hàng còn tăng lãi suất đầu vào bằng nhiều cách. Ngoài việc phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên đến 9-10%/năm, các ngân hàng tăng lãi suất thông qua các gói sản phẩm liên kết ngân hàng bảo hiểm (bancassurance), cộng thêm lãi suất ngoài bảng, gia tăng khuyến mãi...

Lãi suất cho vay khó giảm

Tại buổi tổng kết chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Tp.HCM vào đầu tháng 4/2019, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã khẳng định Ngân hàng Nhà nước định hướng các ngân hàng thương mại không tăng lãi suất cho vay năm 2019.

Tuy nhiên, trước áp lực từ các yếu tố bên ngoài, cạnh tranh lãi suất đầu vào của nhiều ngân hàng qua các hình thức nói trên (tiết kiệm online, phát hành chứng chỉ tiền gửi, bancassurance, khuyến mãi...), lãi suất đầu ra của các ngân hàng cũng khó ổn định. Không ít ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay mua, xây sửa nhà, vay mua ôtô lên mức khoảng 13 - 13,5%/năm, thậm chí lãi suất cho vay tiều dùng, thẻ tín dụng còn cao hơn nhiều, lên đến 40-50%/năm.

Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra không quá 14% trong năm nay cũng là một trong những yếu tố tác động lên mặt bằng lãi suất. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, một khi room tín dụng bị hạn chế, ngân hàng sẽ phải chọn lọc khách hàng vay vốn.

Thực tế cho thấy, lãi suất huy động đã có xu hướng nhích dần từ cuối năm 2018 đến nay theo chiều hướng tăng của lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp cũng không dễ dàng có được mức lãi vay ưu đãi từ các ngân hàng như trước, hoặc chỉ được hưởng lãi suất thấp trong thời gian ngắn.

DiaOcOnline.vn – Theo Vneconomy