Với định hướng và các chính sách siết chặt tín dụng bất động sản từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay với lĩnh vực này bắt đầu được một số ngân hàng điều chỉnh tăng và dự báo còn có thể tăng mạnh trong các tháng tới đây
Số liệu phân tích thị trường được NHNN thực hiện trong tuần cuối cùng của tháng 4.2019 cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng (VND) nói chung trên thị trường hiện phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản cho vay ngắn hạn và tăng lên 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.
Tuy nhiên, với các khoản vay liên quan đến bất động sản như vay mua nhà đất hay vay xây sửa nhà, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thực tế đang cao hơn đáng kể so với thống kê của NHNN.
Số liệu phân tích thị trường được HCMBanker (đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối khách hàng đến ngân hàng vay vốn) tổng hợp cho thấy, ngay từ đầu năm 2019, một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng vay với mức tăng khoảng 0,2-0,5%/năm.
Theo đó, lãi suất cho vay cố định năm đầu được hiện được các ngân ngân hàng lớn áp dụng ở mức 8-9%/năm, thay đổi đáng kể so với mức cố định 7-8%/năm phổ biến trong năm 2018. Đối với lãi suất trong thời hạn còn lại, các gói vay ưu đãi tại các ngân hàng lớn vốn dao động trong khoảng 10-11,5%/năm trong năm 2018 thì nay đã tăng lên 11-12%/năm trong năm 2019.
Đáng chú ý với các các khoản vay liên quan đến nhà đất, mức lãi vay ưu đãi trong khoảng 9-11%/năm hiện chỉ được các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng trong khoảng thời gian từ 12 tháng đến 36 tháng (1-3 năm). Sau thời gian này, các ngân hàng thường áp dụng mức lãi vay được tính theo công thức lãi suất tiết kiệm 12-13 tháng cộng với mức lãi suất biên.
Theo tổng hợp của HCMBanker, mức lãi suất biên mà các NHTM đang áp dụng phổ biến hiện nay là 3,3-4,5%. Chưa kể tại một số ngân hàng có định hướng hạn chế cho vay tín dụng, theo tìm hiểu của người viết, mức lãi suất biên có thời điểm lên tới 5-5,5%.
Theo đó, với mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất đang được một số ngân hàng áp dụng là 7-7,5%/năm, lãi suất cho vay bất động sản cao nhất sau thời gian ưu đãi lên đến 12-13%/năm. Thực tế theo tính toán của HCMBanker, lãi suất cho vay sau thời gian ưu đãi đang được một số NHTM như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) áp dụng là 12,4-12,7%/năm.
NHNN thời gian qua liên tục phát đi thông điệp về định hướng siết chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mới đây một lần nữa nhấn mạnh việc NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong năm nay tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản hay chứng khoán.
DiaOcOnline.vn – Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: