Top

Hiện trạng buồn của những cổ phiếu “nóng”

Cập nhật 06/12/2013 08:47

Từng là cổ phiếu “dậy sóng” thị trường chứng khoán, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp họ Sông Đà, hiện nay hoạt động rất èo uột.

Đô thị Sông Đà (SDU)

SDU hay Đô thị Sông Đà là cái tên được rất nhiều nhà đầu tư biết đến giai đoạn nửa cuối năm 2009. Chào sàn Hà Nội ngày 28/9/2009 với mức giá bình quân 80.900 đồng/CP, giá đóng cửa là 83.000 đồng/CP, CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà được công chúng đầu tư kỳ vọng là một Sudico thứ hai của Tổng công ty Sông Đà trên thị trường chứng khoán.

Mức giá chào sàn so với giá 6.000 đồng/CP đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/12/2013, quả thực là rất cao, nhưng SDU còn đạt mức giá cao hơn là 107.000 đồng/CP trong phiên 14/7/2010, chỉ ít ngày trước khi Công ty thực hiện phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, với giá 20.000 đồng/CP.

Sau khi phát hành thành công cho cổ đông hiện hữu, với mức giá mua tính ra xấp xỉ 60.200 đồng/CP, giá cổ phiếu SDU tăng lên trên 70.000 đồng/cổ phiếu, sau đó… giảm không phanh. So với mức giá đỉnh điểm (không tính điều chỉnh quyền) là 107.000 đồng/CP, cổ phiếu SDU đã giảm giá trên 94%. Tính điều chỉnh quyền (phát hành, cổ tức), giá cổ phiếu SDU giảm so 91,4% so với mức đỉnh ngày 29/7/2010.

Không phải bất hợp lý khi cổ phiếu SDU giảm giá mạnh. Từ chỗ lãi sau thuế gần 52 tỷ đồng trên vốn điều lệ 100 tỷ đồng năm 2009, đến giai đoạn 2011 - 2012, Công ty chỉ lãi sau thuế tương ứng 1,38 tỷ đồng và 2,25 tỷ đồng trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, SDU lãi 4,8 tỷ đồng, nhưng mọi hoạt động kinh doanh đều ở trong tình trạng… nhích nhẹ.

Hoạt động kinh doanh đình trệ, khó khăn thanh khoản, mắc kẹt trong nhiều dự án dở dang, trong khi thị trường BĐS sa sút mạnh là những lý do khiến SDU, “ngôi sao” một thời trong nhóm cổ phiếu dòng họ Sông Đà… chỉ còn sáng le lói.

Sudico (SJS)

2.413.585 đồng là mức giá quy đổi cao nhất mà một cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đạt được tính quy đổi theo giá ngày chào sàn (6/7/2006) sau 1 năm hiện diện trên sàn niêm yết.

Cụ thể, tại ngày 29/6/2007, cổ phiếu SJS được giao dịch ở mức 315.000 đồng/CP, nhưng trước đó, Công ty đã chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:3, hai lần trả cổ tức tỷ lệ 15% và 5% bằng tiền, bán ưu đãi theo tỷ lệ 1:1 với giá 20.000 đồng/CP.


Tại Sudico đã từng xảy ra nhiều tranh chấp nội bộ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh

Nhắc đến Sudico, đến tận năm 2012, nhiều nhà đầu tư vẫn coi đây là một doanh nghiệp đẳng cấp khác biệt trên thị trường chứng khoán, khi tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên và bất thường năm 2012, bên cạnh sự tranh chấp quyền lực trong Công ty là kỳ vọng tương lai sáng lạn. Nhưng đến nay, giá cổ phiếu SJS chỉ còn 15.000 đồng/CP.

Tranh chấp nội bộ (đã từng xảy ra) dẫn đến hệ thống lãnh đạo Sudico có nhiều xáo trộn, dấu hỏi về khả năng bảo toàn vốn tại một số dự án BĐS, kinh doanh thua lỗ, nguy cơ hủy niêm yết, thanh khoản cạn kiệt… là những gì đã xảy ra với công ty từng là số 1 thị trường chứng khoán Việt Nam này.

Hiện tại, Ban lãnh đạo Sudico đưa ra quyết tâm cao trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Công ty, nhưng để làm được điều đó, một mình nỗ lực của Sudico có lẽ là chưa đủ, khi thị trường BĐS vẫn còn khá khó khăn.

PVPowerland (PVL)

38.800 đồng là mức giá cao nhất mà cổ phiếu PVL của CTCP Bất động sản điện lực Dầu khí (PVPowerland, PVL) từng được chuyển nhượng. Con số này gây bất ngờ cho rất nhiều cổ đông, bởi nó đạt được chỉ chưa đến 1 tháng sau ngày niêm yết (ngày 7/5/2010 so với ngày niêm yết 15/4/2010). Trước khi niêm yết, cổ phiếu PVL được giao dịch trong khoảng giá khá rộng, từ 13.000 đồng/CP đến trên 20.000 đồng/CP.

Không chia cổ tức, cũng không phát hành thêm với giá ưu đãi, nhưng giá cổ phiếu PVL hiện chỉ còn 3.200 đồng/CP, bằng 1/3 so với giá trị sổ sách Công ty ghi nhận là gần 10.000 đồng/CP. Tất nhiên, thị trường có lý do để định giá cổ phiếu PVL ở mức như vậy. Trong 3 năm qua, Công ty ghi nhận mức lỗ 8,3 tỷ đồng năm 2010, lãi 1,5 tỷ đồng năm 2011, lỗ 26,3 tỷ đồng năm 2012. 9 tháng đầu năm 2013, PVL ghi nhận con số lỗ trên 21 tỷ đồng.

Câu chuyện với PVL là một chuỗi ngày đen đủi, khi đầu tư BĐS phía Nam thì bất động sản phía Nam quay đầu giảm giá; cắt lỗ, rút vốn để đầu tư phía Bắc thì BĐS phía Bắc đóng băng. Thanh khoản kém, nguồn vốn đầu tư dự án không còn, tình hình vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, nên Dự án Nam Đàn, vốn được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích cho PVPowerland, bấy lâu nay vẫn “trơ cùng tuế nguyệt”!

Với thực trạng này, rất khó để PVL tìm được một hướng đi mới vực dậy Công ty

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán