Huy động vốn tăng trong khi thanh khoản tiền đồng của ngân hàng được cải thiện là điều kiện cơ bản để các ngân hàng hạ dần lãi suất cho vay.
Từ ngay sau khi nhậm chức, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã phát đi thông điệp kéo lãi suất cho vay về khoảng 17% - 19%/năm từ tháng 9 này.
Hiện nay, thanh khoản VND toàn hệ thống đang dư thừa. Thêm vào đó, việc NHNN xem xét tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn cũng là điều kiện khai thông nguồn vốn và hạ được lãi suất cho vay.
Đáng kể đến như, ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa thông báo dành 3.000 tỷ đồng cho vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi cho một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản và một số ngành khác.
BIDV cũng đã thông báo giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2%, về 18-19%, và dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn đối với thu mua nông sản, công nghiệp nông nghiệp với lãi suất 15%-17,5%/năm. Riêng SHB dành 3.800 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức lãi suất từ 17%-18%.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) dự kiến dành hơn 1.000 tỷ đồng để tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu với lãi suất ưu đãi 18,5-19%/năm.
Hàng loạt những ngân hàng lớn khác như Agribank, Eximbank, Techcombank, ACB.... cũng có những chương trình mới về cho vay ưu đãi giảm lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ với mức thanh khoản kém hơn dường như vẫn chưa có động thái rõ ràng nào. Các chương trình cho vay ưu đãi mới của nhóm các ngân hàng lớn hầu hết cũng mới tập trung vào đối tượng cho vay nông nghiệp, vay sản xuất, xuất khẩu và thường dành cho kỳ hạn ngắn.
Ngày 7/9 tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức cuộc họp với tất cả các tổ chức tín dụng về giảm lãi suất. Những giải pháp NHNN đưa ra tại cuộc họp có thể sẽ là tái cấp vốn đủ mức cần thiết cho các ngân hàng nhỏ. Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ có những chính sách thiết thực để có được mặt bằng lãi suất đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên tham gia thị trường. Hi vọng, đây sẽ là những động thái tích cực góp phần đưa lãi suất về sát ngưỡng mục tiêu 17 - 19%.
Đáng chú ý là huy động vốn trong tháng 8 bất ngờ tăng mạnh. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 19/8/2011 ước tăng 3,04% sau khi đã sụt giảm vào tháng trước. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 8,44%. Kết quả này phần nào cho thấy, ngân hàng đang có những thuận lợi nhất định trong việc huy động vốn.
Theo báo cáo hoạt động tháng 8 của NHNN, tổng phương tiện thanh toán đến 19/8/2011 ước tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 7,83% so với cuối năm 2010; trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 4,22% so với tháng trước và so với cuối năm trước tăng 4,10%.
Mức tăng của tổng phương tiện thanh toán trong tháng 8 cao nhất trong vòng 1 năm. Như vậy, cùng với việc điều chỉnh thông tư 13, sự chuyển động dòng vốn bắt đầu được thúc đẩy hài hòa. Đây cũng là những tín hiệu cơ bản cho thấy việc giảm lãi suất đang có những bước tiến đầu tiên và rõ ràng hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo DVT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: