Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Đức, cho biết gói tín dụng này hiện vẫn đang vướng phải nhiều "nút thắt" chưa được tháo gỡ, khiến nhiều người dân và doanh nghiệp rất khó tiếp cận được với các ngân hàng.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Đức
|
* Ông nhận xét thế nào về số liệu giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây khi mới chỉ có 331 khách hàng cá nhân vay được vốn từ gói tín dụng này?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Căn cứ vào số liệu của Vụ Tín dụng (NHNN) vừa công bố, đến ngày 31/8/2013 mới chỉ có 331 khách hàng cá nhân vay được vốn từ gói tín dụng này với số tiền là 105,32 tỷ đồng, trong khi nhu cầu của những người nghèo thành thị chưa có nhà ở cần vay vốn còn rất lớn.
Tôi cho rằng, đây là gói tín dụng rất kịp thời và mang tính an sinh xã hội tốt, nhằm hỗ trợ vay vốn cho những người có thu nhập thấp và doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, với thời hạn vay kéo dài đến 10 năm là hơi ngắn, vì phần đa người dân vay tiền từ gói tín dụng này là những người nghèo.
Nếu chỉ cho vay trong khoảng thời gian đó và hàng tháng trả lãi suất 6%/năm + tiền gốc cho ngân hàng là rất khó khả thi. Nhiều người ban đầu "háo hức" trông đợi vào gói tín dụng này để vay mua nhà ở xã hội. Thế nhưng, khi triển khai cho vay trong thực tiễn lại có quá nhiều vấn đề "bất cập" khiến người mua cảm thấy nản lòng không dám mua nhà.
* Theo ông, đâu là những "rào cản" khiến việc giải ngân gói tín dụng này đạt hiệu quả chưa cao?
Như tôi nói ở trên, ở góc độ doanh nghiệp tôi cho rằng, không chỉ khách hàng cá nhân khó tiếp cận vay được tiền từ gói tín dụng này mà rất nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận vay vốn từ gói tín dụng này cũng phải "chào thua", vì những điều kiện, quy định "ngặt nghèo". Nói rộng ra là vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay là xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, vì các doanh nghiệp hầu hết đã lập dự án, quy hoạch giờ lại phải quy hoạch lại.
Theo tôi được biết, hiện nay các doanh nghiệp được duyệt cho vay làm nhà ở xã hội đều là những "ông lớn" trong làng BĐS Việt Nam như HUD, Vinaconex, Viglacera… Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải tháo gỡ "nút thắt" cho cả 3 nhà ngân hàng - chủ đầu tư và người mua, cần có giải pháp tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp, chủ đầu tư nhanh chóng triển khai được nhiều dự án, cũng như tiếp cận được vốn thì các dự án mới được triển khai nhanh, người mua mới đặt niềm tin vào thị trường.
Đến nay cả người dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nguồn: Internet
|
Bên cạnh đó, các cơ quan, bộ, ngành chức năng cùng vào cuộc quản lý chặt chẽ việc triển khai dự án của các doanh nghiệp để tránh tình trạng huy động vốn của khách hàng nhưng không triển khai dự án, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, các ngân hàng nên "nới lỏng" điều kiện cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng gói tín dụng này thì hiệu quả triển khai gói 30.000 tỷ đồng mới nhanh chóng đi vào cuộc sống.
* Ở cương vị là ông chủ doanh nghiệp và là một chuyên gia bất động sản, ông có những đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan hữu quan?
Như tôi nói từ đầu, về chủ trương và mục đích của gói tín dụng này là rất tốt và ưu việt mang tính xã hội hóa cao. Tuy nhiên, thời gian qua, khi triển khai vào thực tiễn cuộc sống thì chủ trương chính sách này đã gặp phải những bất cập nhất định.
Tính đến ngày 31/8, các NHTM đã cam kết cho vay 331 khách hàng cá nhân với số tiền là 105,32 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 305 khách hàng với số tiền là 69,4 tỷ đồng. Đã có 181 khách hàng được cho vay để mua, thuê nhà ở xã hội với số tiền là 42,9 tỷ đồng, 124 khách hàng được cho vay để thuê, mua nhà ở thương mại với số tiền 26,5 tỷ đồng.
Theo Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước
Theo tôi, những người hoạch định chính sách cần nghiên cứu kỹ thông qua tổ chức hội thảo, hội nghị với sự tham gia đóng góp ý kiến của các hiệp hội, chuyên gia tư vấn và thăm dò dư luận trước khi triển khai vào thực tiễn thì hiệu quả của chính sách sẽ khả thi hơn rất nhiều. Bởi vì, mỗi chính sách ra đời đều ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân. Do đó, đòi hỏi những người hoạch định ra chính sách nhanh chóng bắt nhịp với thực tiễn là rất quan trọng, còn không thì làm mất lòng tin cho người tiêu dùng.
Để giải quyết những rào cản trên, tôi cho rằng cần phải giải quyết được các vấn đề sau:
Đối với doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các bộ, ngành hữu quan cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Cùng với đó, ngân hàng giải ngân vốn nhanh cho doanh nghiệp.
Đối với người dân, chủ đầu tư phải giữ uy tín với khách hàng và tuân thủ đầy đủ theo Luật Nhà ở, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xây xong móng chủ đầu tư mới được phép huy động vốn từ khách hàng… Có như vậy mới tạo niềm tin cho người dân mua nhà ở và tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp triển khai nhiều dự án.
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí tài chính
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: