"Việc Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất cho thấy, dần dần họ cũng muốn chuyển sang các công cụ gián tiếp trong việc kiểm soát tiền tệ như giá và lãi suất" - ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định.
Thưa ông Eric Sidgwick, quan điểm của ADB trong việc Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất ra sao?
Cũng rất khó để nói chính xác tác động của động thái giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước Việt Nam mới đây là gì. Cơ chế chuyển đổi của việc giảm lãi suất dẫn tới thay đổi về kinh tế là các quá trình rất phức tạp. ADB không có đầy đủ thông tin mà Ngân hàng nhà nước có khi họ giảm lãi suất nên sẽ rất khó để chúng tôi nhận xét.
Nhưng tôi có thể nói, ở Việt Nam, chính sách tiền tệ được kiểm soát định lượng, tức là có ngưỡng tín dụng cho các ngân hàng. Còn lãi suất là liên quan tới giá, là công cụ có tác động gián tiếp so với các công cụ định lượng. Việt Nam trước đây chủ yếu sử dụng các mục tiêu định lượng trong kiểm soát chính sách tiền tệ.
Việc Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất cho thấy, dần dần họ cũng muốn chuyển sang các công cụ gián tiếp trong việc kiểm soát tiền tệ như giá và lãi suất. Tác động của các chính sách lãi suất chỉ đạo hay chiết khấu sẽ có tác động tới thanh khoản cũng như lãi suất của các ngân hàng.
Chúng tôi cần tìm hiểu kỹ lưỡng hơn và có thêm dữ liệu để hiểu được rõ hơn cơ chế chuyển đổi là gì. Theo tôi ý định của việc giảm lãi suất là tạo tín hiệu cho thị trường rằng Ngân hàng Trung ương rất thận trọng và quan tâm cả tới các mục tiêu tăng trưởng, đồng thời kiểm soát lạm phát.
Khi tăng trưởng cao và lạm phát thấp thì sẽ không có xung đột, nếu tăng trưởng giảm và lạm phát tăng thì sẽ gây ra xung đột sẽ khó giải quyết hơn cho Ngân hàng Trung ương, vì họ vừa phải thúc đẩy tăng trưởng vừa phải kiểm soát lạm phát.
Đây không phải tình huống hiện nay Việt Nam đang gặp phải nhưng tôi đề cập vì thời gian tới Ngân hàng Trung ương sẽ tập trung hơn vào kiểm soát lạm phát thay vì mục tiêu tăng trưởng. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được khi họ chuyển từ các công cụ trực tiếp sang công cụ gián tiếp (cơ chế chuyển đổi giá).
Tôi được biết Ngân hàng Trung ương đang làm điều này với sự hỗ trợ của một số đối tác phát triển. Đây là công việc rất kỹ thuật, nhưng đang được thực hiện để Việt Nam có công cụ chính sách hiện đại hơn.
Theo ông việc FED hạ lãi suất sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Theo tôi, về việc giảm lãi suất của FED thì không chỉ FED mà rất nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng đã nới lỏng chính sách tiền tệ do sự giảm sút tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Á, một phần do xung đột thương mại gia tăng giưa Trung Quốc và Mỹ.
Tôi đoán là tác động đến Việt Nam có thể nhìn thấy qua xuất nhập khẩu, tiền tệ và FDI. Cho dù có sự sụt giảm trong xuất khẩu và FDI đăng ký nhưng tỷ giá VND không biến động quá nhiều. Chúng tôi không thấy Việt Nam gặp phải tác động nào quá lớn tại thời điểm này.
Theo tôi thị trường đang kỳ vọng lãi suất giảm tiếp, nên cũng không có cú shock lớn nào. Cái đáng quan ngại là những cái mà thị trường không nhìn thấy được, ví dụ như giá dầu ở Trung Đông. Tóm lại đây không phải yếu tố gây quá nhiều bất ổn. Tất nhiên biến động tiền tệ, giá, lãi suất, tỷ giá diễn ra rất nhanh và cần phải được giám sát chặt chẽ bởi Ngân hàng Trung ương.
ADB không thể giám sát hàng ngày với các số liệu đó nên không thể dự báo, vì Ngân hàng Trung ương có nhiều dữ liệu hơn chúng tôi.
Cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: