Top

Giải pháp căn cơ ổn định giá vàng

Cập nhật 25/10/2011 14:40

Quá sốt ruột vì thị trường vàng vẫn diễn biến phức tạp sau khi Ngân hàng Nhà nước cho 5 ngân hàng thương mại được kinh doanh vàng tài khoản và bán một lượng vàng huy động để bình ổn thị trường, nhiều ý kiến cho rằng cần có những giải pháp căn cơ hơn. Một chính sách vừa ban hành thường có độ trễ, cần thời gian kiểm nghiệm, vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần kiên định với những giải pháp đã đưa ra.

Ngân hàng Nhà nước nên là đầu mối duy nhất nhập khẩu vàng và bán can thiệp.

Bắt đầu từ 6/10/2011, 5 ngân hàng thương mại, gồm: ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, DongA Bank và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được phép thực hiện bán vàng từ số vàng tồn quỹ theo giá hợp lý để kéo giá vàng trong nước xuống, giảm chênh lệch với giá vàng thế giới theo Thông tư 32/TT-Ngân hàng Nhà nước, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/TT-NHN v/v chấm dứt huy động vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng.

Từ thành công trong quá khứ


Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện, 5 đơn vị nói trên và SJC đã bán ra trên 5 tấn vàng. Lập tức, giá vàng hạ nhiệt mạnh, từ mức giá bán ra 44,63 triệu đồng/lượng ngày hôm trước, cuối giờ ngày 6/10 chỉ còn 44 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước giảm, giá vàng thế giới tăng làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn 1,5 triệu đồng/lượng.

Từ ngày 7/10 đến nay, giá vàng trong nước tiếp tục giảm, nhu cầu mua vàng ít đi, chênh lệch giá vàng chỉ còn khoảng trên dưới 1 triệu đồng/lượng.

Nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm theo dõi các diễn biến trên thị trường vàng sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp can thiệp cho rằng, đây là biện pháp tích cực của nhà điều hành trong việc sử dụng “nội lực” để bình ổn giá vàng, tránh tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng. Và nếu duy trì xu thế này thì giá vàng trong nước có thể về sát với giá quốc tế.

Tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều cho rằng việc cho phép một số ngân hàng bán vàng huy động và mở tài khoản vàng ở nước ngoài chỉ là biện pháp tình thế giúp thị trường bớt căng thẳng, vẫn cần một giải pháp đồng bộ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên quản lý chặt chẽ việc kinh doanh vàng tài khoản để tránh tình trạng biến tướng và cần có giải pháp dài hạn để tránh tình trạng vàng hóa tăng lên.

Đã từng hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực quản lý ngoại hối, người viết muốn đóng góp thêm một ý kiến cho nhà điều hành, đó là tham khảo kinh nghiệm bình ổn giá vàng cách đây mấy chục năm.

Trong giai đoạn 1986 - 1992, nền kinh tế bị suy thoái, lạm phát trầm trọng, tỷ giá và giá vàng biến động mạnh, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện đề án ổn định tỷ giá và giá vàng. Việc xây dựng đề án dựa trên nguyên tắc: Ngân hàng Nhà nước được phép sử dụng tiền phát hành, chuyển đổi ra ngoại tệ để nhập vàng và thành lập quỹ can thiệp bình ổn giá vàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước bán vàng can thiệp khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới và phải bảo đảm an toàn về vốn. Trong thời gian bán vàng can thiệp, Ngân hàng Nhà nước được phép nhập vàng bổ sung cho quỹ bình ổn giá vàng, đảm bảo trong kho luôn có đủ số vàng dự trữ theo quy định. Trong thời gian đó, Công ty Kinh doanh vàng bạc của Ngân hàng Trung ương được nâng cấp lên Tổng công ty Kinh doanh vàng bạc với các công ty con ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Việc bán vàng can thiệp được thực hiện thông qua hệ thống các công ty kinh doanh vàng, bạc trực thuộc Ngân hàng Nhà nước nên từ khâu cung ứng vàng đến quy định giá vàng bán ra đều được quản lý chặt chẽ. Do giá vàng nhập theo giá quốc tế được quy đổi ra đồng Việt nam theo tỷ giá của ngân hàng thương mại, thấp hơn nhiều so với giá vàng trong nước nên việc bán vàng can thiệp không bị lỗ. Kết quả là sau một thời gian ngắn, giá vàng trong nước ổn định ngang với giá vàng quốc tế.

Nhờ đó, hiện tượng làm giá của một số nhà đầu cơ bị dập tắt, nhân dân tin tưởng vào khả năng và sức mạnh của nhà nước trong việc bình ổn giá vàng. Do ổn định được tỷ giá, giá vàng và giá lương thực, nhà nước đã hoàn thành được nhiệm vụ kiềm chế lạm phát phi mã và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Khả thi đến đâu?

Tình hình diễn biến của thị trường vàng Việt Nam những năm 1986 - 1992 có nhiều điểm giống như hiện nay, vì thế, nhà điều hành có thể thực hiện biện pháp đã làm trước đây để bình ổn giá vàng.

Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước có thể căn cứ giá vàng quốc tế ngày 26/9/2011 (1.614 USD/oz ), ngày giá vàng thế giới và Việt Nam biến động mạnh để tính toán thực hiện đề án can thiệp vàng cho thấy tính khả thi của đề án rất cao.

Cụ thể, quy đổi giá vàng thế giới (1.614 USD/oz) ra 1 lượng vàng Việt Nam (37,5 gram) thì 1 oz có giá trị theo cách tính Việt Nam là: 1.614 USD : 31,1035 x 37,5 = 1.945,9 USD/lượng. Trong đó, 1.614 USD là giá vàng quốc tế tính trên oz; 1 oz tương đương 31,1035 gram vàng theo cách tính Việt Nam. Kết quả này cộng với chi phí tính đủ 5 USD/lượng thì giá vàng nhập khẩu về Việt Nam trước khi bán ra thị trường là: 1.945,9 USD + 5 USD = 1.950,9 USD. Trên thực tế, chi phí gia công mỗi lượng chỉ 3,5 USD, bao gồm: phí bảo hiểm và vận chuyển là 1,1 USD/lượng; phí gia công thành vàng miếng là 50.000 VND/lượng. Quy đổi ra VND theo tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại là: 1.950,9 USD x 20.834 = 40,645 triệu VND/lượng.

So sánh với giá vàng bán ra thị trường chiều ngày 26/9/2011 của SJC là 45,5 triệu VND/lượng thì mức chênh lệch với giá thế giới lên tới 4,8 triệu VND/lượng. Vì thế, nếu Ngân hàng Nhà nước nhập vàng bán can thiệp thì có thể kéo giá vàng xuống mạnh hơn.

Từ kinh nghiệm và những thành công của Ngân hàng Nhà nước trong việc bán vàng can thiệp giữ ổn định thị trường những năm trước đây, đã cho thấy:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước có đủ quyền lực và sức mạnh để can thiệp thị trường, không một tổ chức, cá nhân nào có thể lũng đoạn hoặc làm giá để thu lợi cho riêng mình.

Thứ hai,
vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu thực chất là tiền tệ, do đó rất cần quản lý chặt chẽ như quản lý ngoại tệ, không thể cho các doanh nghiệp, không phải là tổ chức tín dụng sản xuất, mua bán vàng miếng tự do và gây rối loạn thị trường như hiện nay.

Thứ ba,
vàng có mối quan hệ rất chặt chẽ với ngoại tệ, để ổn định tỷ giá và giá vàng, việc quản lý kinh doanh vàng miếng cần thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11 ngày 24/2/2011, đó là: “kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh vàng, trong quý II/2011 Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”.

Để Ngân hàng Nhà nước quản lý được thị trường vàng một cách chủ động, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp; trong đó có biện pháp nhập khẩu vàng bán can thiệp theo đề án ổn định tỷ giá và giá vàng nói trên. Nếu thực hiện biện pháp này, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu thành lập lại công ty kinh doanh vàng bạc với các nhiệm vụ vốn có của nó.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy