Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất, thanh khoản kém, sức ép khó khăn về vốn ngày càng tăng lên.
Nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trên thị trường tài chính, đặc biệt là bất động sản, những khoản vay này hiện đang có nguy cơ cao về khả năng mất vốn.
Dấu hiệu gần đây từ những vụ vỡ nợ tín dụng đen đang hoành hành trên hai thị trường bất động sảnlớn nhất là Tp.HCM và Hà Nội cho thấy thị trường đang có quá nhiều rủi ro. Các khoản vỡ nợ gần như đều bắt nguồn từ đầu tư bất động sản và chứng khoán.
Theo số liệu từ một đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trên báo Đầu tư Chứng khoán bài “Nợ xấu đang xấu đi” ngày 19/10, hiện nợ xấu chiếm 3,21% tổng dư nợ toàn hệ thống. Cuối tháng 8/2011, dư nợ cho vay của các NH đạt 2.388,9 nghìn tỷ đồng, trong đó, tổng nợ không đủ tiêu chuẩn là 76.736 tỷ đồng. “Nợ xấu đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay. So với cùng kỳ năm 2010, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã tăng 0,68% (tháng 8/2010 là 2,53%)”. |
Rất nhiều vụ vỡ nợ đã vỡ lở tại những dự án được xem là “nóng” trên thị trường như vụ Oanh “xã đàn” tại dự án Vân Canh, nhiều đối tượng đã bị lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, vụ vỡ nợ của một đại gia bất động sản ở Bắc Ninh mới đây cũng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, hiện tại ở Hà Đông cũng đang xôn xao với vụ vỡ nợ lên đến 150 tỷ đồng cũng từ lừa sổ đỏ,….
Mới đây, Phó Giám đốc công án Thành phố Hà Nội Đinh Văn Toản đã cho báo chí biết, từ đầu năm đến nay Hà Nội liên tục xảy ra các vụ vỡ nợ. Công an thành phố đang điều tra vụ ở Đan Phượng với số nợ lên xấp xỉ 300 tỷ đồng; vụ ở Hà Đông cũng lên đến vài trăm tỷ; ở huyện Phú Xuyên khoảng 300-400 tỷ đồng. Gần đây nhất, tôi cũng nhận được báo cáo của Công an quận Cầu Giấy có vụ xù nợ trên dưới 100 tỷ đồng. Các vụ này có điểm chung là chủ nợ vay vốn của dân hứa trả với lãi suất cao, rồi bỏ trốn….
Thực trạng này đều bắt nguồn từ những khoản đầu tư bất động sản khi thị trường nóng bằng những khoản vay với lãi suất cao, vay trên thị trường tín dụng đen. Đến khi thị trường đóng băng thì những khoản vay, huy động vốn từ người dân từ một số kẻ xấu đã khiến họ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, các vụ vỡ nợ đã xảy ra hàng hoạt trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó TGĐ CTCP Sông Đà Thăng Long cho biết, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên 30%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng. Đó là biểu hiện của sự thiếu hụt, thậm chí là dấu hiệu của nguy cơ mất thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ, họ đang bị " cháy nhà hai đầu" vừa bị rút vốn vừa không huy động được vốn từ thị trường 1, việc vay từ nguồn tái cấp vốn cũng chỉ đáp ứng một tỷ lệ nhỏ với lãi suất cao hơn lãi suất huy động ơ thị trường 1.
Thị trường vốn đang thiếu tiền nay lại càng thiếu hơn. Các thị trường đang cần hoặc đang rất cần vốn như BĐS, CK sẽ khó khăn hơn trong khi sức ép đáo hạn của các khoản vay trước ngày càng tăng, đặc biệt thời điểm 31/12 (dư nợ cho vay phi sản xuất phải kéo xuống 16%) ngày càng đến gần, trong khi vay mới dường như khó khăn hơn.
Khó khăn về tín dụng, nguồn vốn cho bất động sản năm 2011 đã được dự báo từ trước. Đây chính là thời điểm mà những khó khăn đó càng bộc lộ rõ. Biểu hiện của thực trạng này là liên tục những ngày gần đây các vụ trốn nợ, lừa đảo trong lĩnh vực địa ốc được bộc lộ rõ nhất.
Thị trường bất động sản vẫn còn đang phải đối diện với rất nhiều thử thách, chắc chắn rằng với thực trạng của thị trường tài chính hiện nay thì bất động sản khó có thể phục hồi trở lại trong thời gian ngắn. Với những dấu hiệu căn thăng hơn đang diễn ra về dòng tiền, rất có thể bất động sản sẽ phải hứng chịu nhiều khó khăn hơn nữa trong năm 2012.
DiaOcOnline.vn - Theo TTVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: