Thị trường bất động sản vẫn còn lạnh, nhưng giá cổ phiếu bất động sản đã nóng phỏng tay - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Tăng trần hàng chục phiên, giá tăng hơn gấp đôi so với giá tham chiếu ngày chào sàn, cổ phiếu (CP) bất động sản có gì mà nóng quá vậy?
Hiếm là tăng?
Từ hôm chào sàn HOSE 9-9 đến nay, VPH (Công ty cổ phần-CTCP Vạn Phát Hưng) đã tăng trần liên tục 18 phiên và đang ở giá 79.000 đồng/CP (tăng 163% so với giá tham chiếu 30.000đ). Thử xem xét vì sao VPH lại có chuỗi tăng giá dài, bất chấp sự điều chỉnh của thị trường hiện nay. Trước hết là do lượng CP lưu hành của VPH rất ít. Với hơn 20 triệu CP hiện nay, các thành viên sáng lập cùng với nhân viên trong công ty đã nắm giữ trên 95% số CP. Như vậy, số lượng CP lưu hành do cổ đông bên ngoài nắm giữ chỉ có 583.575 CP (chiếm 2,91% vốn điều lệ).
Điều khiến cho giá VPH tăng liên tục là lượng cung nhỏ giọt với 500-700 đến vài ngàn CP/phiên, chỉ đến phiên ngày 2-10 mới có hơn 93.000 CP được bán ra. Như vậy việc ghim hàng của chính các cổ đông của VPH đã khiến CP này trở thành hàng hiếm trong con mắt của các nhà đầu tư. Hiện VPH đã công bố bán ra 247.842 CP quỹ, có thể trong những phiên tới CP này sẽ hạ nhiệt.
Cùng chào sàn ngày 9-9, CP của CTCP bất động sản Viên Nam (VNI) cũng đã có chuỗi 16 phiên tăng trần liên tục, và chỉ bắt đầu giảm nhiệt khi thị trường điều chỉnh mạnh từ ngày 1-10 vừa qua. Không đến nỗi quá hiếm, nhưng lượng CP VNI đang bị hạn chế chuyển nhượng do các cổ đông sáng lập nắm giữ cũng đã lên đến hơn 8 triệu CP, chiếm hơn 76,6% số CP được niêm yết. Lượng CP được tự do chuyển nhượng không nhiều, các cổ đông lại kỳ vọng vào đợt tăng giá dài ngày của những CP mới lên sàn nên không chịu bán ra sớm.
Theo giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM, ở đây biểu hiện rõ hiện tượng làm giá và không loại trừ những người luôn đặt mua giá trần đều là những cổ đông đang nắm các loại CP này. “Hiện tượng mua tay trái-bán tay phải để kích thích các nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn luôn xảy ra trên thị trường. Nếu xét về tiềm năng của hai CP trên, không thể có chuyện giá tăng liên tục đến hơn 150% so với giá tham chiếu. Vì giá tham chiếu bao giờ cũng được tính toán dựa trên giá trị sổ sách, mức lợi nhuận kỳ vọng cho năm nay và năm sau… nên khó có chuyện định giá thấp. Chỉ những nhà đầu tư nào quá ít kinh nghiệm mới nhảy vào với mức giá cao chót vót đó”, vị giám đốc này nói.
Có nên quá kỳ vọng?
CTCP Đầu tư-Kinh doanh nhà (Intresco) dự kiến chào sàn HOSE vào giữa tháng 10 với hơn 23 triệu CP phổ thông. Mức giá chào sàn hiện đang được các nhà đầu tư trao đổi râm ran là 55.000đ/CP. Theo ông Vũ Văn Hà, phó giám đốc Phòng đầu tư Công ty chứng khoán Âu Việt, mức giá này không còn rẻ so với giá trị và tiềm năng của Intresco. Vì vậy, các nhà đầu tư đừng quá kỳ vọng vào sự tăng giá đột biến cũng như đu mua vào bằng bất kỳ giá nào.
“Mức giá CP mới chào sàn cũng còn tùy thuộc vào thời điểm đó tình hình thị trường chung như thế nào. Nếu thị trường đang khởi sắc, có thể giá CP còn tiếp tục tăng nhưng ngược lại thì cũng giảm mạnh. Do vậy, nhà đầu tư phải cân nhắc vì không phải bất cứ CP nào chào sàn cũng tăng mạnh như giai đoạn vừa qua”, ông Vũ Văn Hà nói.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định CP ngành bất động sản vẫn được nhiều nhà đầu tư chú ý, do lợi nhuận của nhóm CP này trong mấy tháng qua cao nhất trên thị trường chứng khoán, và còn khả quan hơn khi dự báo thị trường bất động sản ấm dần lên. Thế nhưng, ông Chí vẫn cho rằng quan trọng nhất là đầu tư ở mức giá nào là hợp lý. Vì bất cứ CP nào có giá cao hơn kỳ vọng thì sớm hay muộn cũng phải bị điều chỉnh về đúng giá trị thật của nó.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: