Qua công tác thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không đúng quy định - Ảnh minh họa
Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm", công văn nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm; chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, theo yêu cầu, các tổ chức tín dụng phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng cũng phải kịp thời báo cáo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn hoạt động.
Khảo sát thực tế cho thấy, việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng hiện nay không hề khó, thậm chí ở nhiều nhà băng, nhân viên ngân hàng còn chủ động đề nghị người gửi tiền cầm cố sổ tiết kiệm để vay.
Ở một số ngân hàng, việc cầm cố sổ tiết kiệm còn cho khách hàng sử dụng online một cách dễ dàng dưới hình thức đăng ký vay thấu chi mà không quan tâm đến việc khách hàng sẽ sử dụng số tiền vay đó để làm gì.
Hoặc đối với một số ngân hàng phát hành trái phiếu, để khuyến khích và tạo điều kiện cho khách hàng, ngân hàng cũng cho vay thế chấp bằng chính trái phiếu đó.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: