Top

Cảnh báo hiệu quả của FDI

Cập nhật 04/03/2010 08:10

Trong ba khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), FDI đang tỏ ra là khu vực có hiệu quả đầu tư thấp nhất về cả hai phương diện: sử dụng lao động và công nghệ.

Liên quan tới việc phân cấp đầu tư cho các địa phương đang có xu hướng quá “thông thoáng”, “khoán trắng” như lời một chuyên gia nói gần đây với Pháp Luật TP.HCM, vấn đề hiệu quả của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam bắt đầu được đặt ra.

Những con số đi ngược kỳ vọng

Từ khi FDI vào Việt Nam, khối doanh nghiệp có FDI được kỳ vọng sẽ là lực lượng giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo vốn và kích thích chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ cho nền kinh tế.

Trên thực tế, một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Artex, trong giai đoạn 10 năm từ 1999 đến 2009, đặc biệt trong ba năm qua, đánh giá: “khu vực FDI kém hiệu quả nhất (…), hầu như các doanh nghiệp FDI đều lỗ (theo báo cáo), hoặc các doanh nghiệp khác thì thực chất là một phân xưởng của công ty mẹ ở nước ngoài”.

Để đơn giản, có thể đánh giá hiệu quả FDI căn cứ vào hai chỉ số: ICOR (tỉ số gia tăng vốn và đầu vào) và TFT (hệ số năng suất các nhân tố tổng hợp). ICOR càng cao thì càng là dấu hiệu xấu, chứng tỏ vốn đầu tư trở thành yếu tố quá quan trọng trong khi các nhân tố tăng trưởng khác lại không phát huy. Ngược lại, TFT càng cao càng là dấu hiệu tốt.

Nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho thấy trong 10 năm (1999-2009), ICOR của khu vực nhà nước, tư nhân và FDI lần lượt là: 7,76; 3,54; và 7,91. Nhìn ra thế giới, ICOR trung bình của nhóm tăng trưởng cao chỉ có 3,6. “Khối FDI có chỉ số ICOR cao nhất và điều đó chứng tỏ hiệu quả của họ là thấp nhất” - ông Bùi Trinh cho biết.


Lao động nữ chiếm phần lớn các doanh nghiệp khối FDI. Ảnh minh họa: Hữu Luận

Còn về khía cạnh chuyển giao công nghệ, giai đoạn 2004-2009, hệ số TFT của các khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp có FDI lần lượt là: 8,6; 3,1 và -17,6. Theo ông Bùi Trinh, hệ số TFT của khối nhà nước cao nhất cho thấy mặc dù vốn đầu tư rót vào khu vực này nhiều (đầu tư không hiệu quả) nhưng sự chuyển giao công nghệ là có thật.

Nói cách khác, doanh nghiệp công “cũng có mang lại đổi mới công nghệ”. Trong khi ở khối FDI thì chỉ số này lại âm (-17,6). Ông Trinh giải thích: “Như thế nghĩa là ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, sự tăng trưởng chủ yếu nhờ các yếu tố khác, ví dụ lao động rẻ mạt, chứ không phải do công nghệ. Trên thực tế, khảo sát ở nhiều doanh nghiệp FDI cho thấy máy móc, công nghệ được đối tác nhập vào Việt Nam đều cũ kỹ hoặc đã khấu hao hết”.

Tổ chức tựa phân xưởng

40% là con số thống kê không chính thức về FDI tại Việt Nam được rót vào các dự án bất động sản dưới nhiều hình thức khác nhau năm 2009. Một nguồn số liệu thống kê khác cho thấy con số này năm 2007 là 12%, 2008 khoảng 30%.

Những vấn đề trên cũng là điều mà một chuyên gia (giấu tên) ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tỏ ý lo ngại. Ông cho rằng việc thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài ở các địa phương đang “thoáng” tới mức không cân nhắc thật cẩn trọng ba yếu tố mấu chốt: 1. quỹ đất; 2. vấn đề đào tạo và sử dụng lao động tại chỗ; và 3. chất lượng sản phẩm đầu ra.

Hai yếu tố sau có liên quan trực tiếp tới công nghệ. “Quan điểm của tôi là càng ở các vùng sâu, vùng xa, các dự án FDI càng bị bắt buộc phải sử dụng công nghệ cao và nhân công Việt Nam. Luật định như vậy sẽ khiến các nhà đầu tư buộc phải tính tới chuyện đào tạo và sử dụng lao động tại chỗ. Bằng không, họ cứ đưa công nghệ bãi rác vào, hoặc chỉ dùng chủ yếu là lao động của họ thì ta cũng phải chịu”.

Về việc sử dụng lao động, đến nay khối FDI thu hút 1,7 triệu lao động, song có tới 1,1 triệu trong số đó là lao động nữ, không được đào tạo hoặc chỉ đào tạo ngắn ngày. Vị chuyên gia nói trên cho biết từng đi khảo sát ở nhiều doanh nghiệp có FDI, ông nhận thấy: “Họ giống như phân xưởng của công ty mẹ ở nước ngoài vậy. Lương lao động ở đây rất rẻ, bệnh nghề nghiệp nhiều. Có nhà máy mấy chục ngàn công nhân mà chỉ khoảng ba chục người được đi nước ngoài vài tuần gọi là “đào tạo””.

Tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa trên sự đóng góp ngày càng nhiều của công nghệ và giảm dần mức độ đóng góp của lao động. Những thống kê mà các chuyên gia thu thập được, đánh giá về hiệu quả FDI trong khoảng thời gian 10 năm qua thống nhất ở một số điểm: Kinh tế nhà nước - khu vực tập trung nhiều vốn nhất - đã có sự chuyển dịch trong cơ cấu theo hướng thay đổi công nghệ.Tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực này đã giảm xuống trong năm năm trở lại đây.

Tuy nhiên, nguồn vốn hút về khối doanh nghiệp nhà nước thì vẫn tăng. Trong khi đó, nếu căn cứ vào quy mô vốn, có thể thấy khối tư nhân mới là lực lượng đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, sử dụng nhiều lao động nhất (giúp giảm sức ép về nhu cầu việc làm của người lao động) nhưng vốn đầu tư cho họ lại thấp nhất. Cuối cùng, các chuyên gia cảnh báo: “FDI là khu vực đóng góp ít nhất cho nền kinh tế”.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP