Top

Các ngân hàng bất ngờ "rụt rè" với mục tiêu lợi nhuận năm 2019

Cập nhật 04/04/2019 08:00

Sau khi tăng trưởng 30-40%, thậm chí là tăng gấp 2, gấp 3 lần trong năm 2017 và 2018; các ngân hàng lại tỏ ra khá dè dặt với chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay. Và cũng chưa ngân hàng nào chính thức thông báo mục tiêu lợi nhuận tăng trên 30%.



Chuyên gia dự báo thế nào về tác động của đề xuất siết cho vay tiền mặt ở công ty tài chính? Chuyên gia dự báo thế nào về tác động của đề xuất siết cho vay tiền mặt ở công ty tài chính? Có 8 ngân hàng đã hé lộ kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay. Đáng chú ý, trong khi 2 năm trước đó, đa số trong số 8 nhà băng này có tăng trưởng khá cao từ 30%-40% cho đến gấp 2, gấp 3; thì năm nay lại bất ngờ đặt ra mục tiêu tăng trưởng thấp hơn rất nhiều, đa số dưới 30%.

Vừa mới tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Hai năm trước đó, lợi nhuận tại nhà băng này đã có đà tăng rất cao, tính theo cấp số nhân. Chẳng hạn năm 2017, lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm 2016; còn lợi nhuận năm 2018 cũng tăng tới 95% so với năm 2017.


Nam A Bank cũng tương tự, chỉ đề ra mục tiêu lợi nhuận 800 tỷ đồng trong năm nay, tức tăng thêm một chút so với mức 743 tỷ đạt được vào năm 2018. Trước đó, lợi nhuận tại ngân hàng này có bước nhảy vọt trong năm 2017 (tăng gần 6,7 lần) và năm 2018 cũng tăng rất cao (147%). Chỉ trong vòng 3 năm qua, quy mô lợi nhuận tại Nam A Bank tăng tới 16,5 lần.

SeABank vừa mới công bố tài liệu ĐHĐCĐ với nhiều dự định lớn như tăng vốn lên hơn 9.000 tỷ, niêm yết trên sàn HoSE, chuyển trụ sở chính,…Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng mẹ cũng chỉ tăng 32% lên 818 tỷ dù 2 năm trước đó tăng tới 67% (2018), 158% (2017).

Chưa công bố chính thức tài liệu ĐHĐCĐ, tuy nhiên trong một hội nghị hồi đầu năm, lãnh đạo của Vietcombank từng cho biết, năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là khoảng 12%, tức lợi nhuận sẽ đạt trên 20.000 tỷ đồng. Tất nhiên, mức 20.000 tỷ là cột mốc không nhỏ; du vậy với mức tăng trưởng chỉ 12%, mục tiêu năm nay của Vietcombank có phần "khiêm tốn" hơn so với 2 năm trước đó. Năm 2018, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt gần 18.300 tỷ, tăng 61% so với năm 2017 và năm 2017 cũng đã tăng 33% so với năm 2016.

Hay tại Techcombank, trong cuộc họp sắp tới, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh trong đó mục tiêu lợi nhuận đạt 11.750 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Trong khi năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 10.600 tỷ, tăng 33% và năm 2017 cũng đã tăng gấp đôi so với năm 2016.

MBBank có phần tự tin hơn khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 27%, đạt hơn 9.800 tỷ đồng. Trong năm ngoái, lợi nhuận của nhà băng đã tăng 68% đạt hơn 7.700 tỷ đồng.

VietinBank là bất ngờ nhất khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tới 41% cho chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, tức đạt khoảng 9.500 tỷ đồng. Ngân hàng này tỏ rõ tham vọng muốn trở lại đường đua sớm hơn khi năm 2018 bị BIDV, Techcombank, VPBank, MBBank, Agribank "vượt mặt" trên bảng xếp hạng lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, mục tiêu trên được lãnh đạo ngân hàng thông báo trong hội nghị tổng kết năm và vẫn chưa phải là con số chính thức được trình trong ĐHĐCĐ sắp tới, đồng thời mức tăng trưởng này xét về con số tuyệt đối so với các năm trước cũng không cao khi ngân hàng vừa trải qua năm 2918 khó khăn với riêng quý 4 lỗ đậm.

Trên thực tế, lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với năm 2017, 2018 với lý do chính là vì tăng trưởng tín dụng thấp hơn và nguồn thu đột biến cũng không còn dồi dào như những năm trước.

Tại họp báo kết quả điều hành quý 1/2019, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết đến ngày 25/3/2019 tín dụng tăng 2,28% so với đầu năm và định hướng cả năm chỉ tăng ở mức 14%. Lãnh đạo NHNN cũng cho biết đã có công văn thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng, trong đó ưu tiên chỉ tiêu ở mức cao hơn đối với các ngân hàng thực hiện trước hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II. Cho đến nay, mới chỉ có VIB và Vietcombank được NHNN chấp nhận hoàn thành Basel II.

DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ