Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011 - 2017.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,97% của quý I/2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 5,1%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 9 năm trở lại đây[3], đóng góp 0,14 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm.
|
Ảnh minh họa
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,25%; khu vực dịch vụ chiếm 44,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,55%.
Trên góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 6,2%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,7%.
Theo đánh giá của phía Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng của quý I đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp trong 3 năm từ 2017 – 2019. Mặt khác, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệm, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo đà cho kinh tế phát triển trong các năm tiếp theo.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh
Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 3 vừa qua, cả nước có 12.472 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 128,1 nghìn tỷ đồng, tăng 111,4% về số doanh nghiệp và tăng 33,1% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,3 tỷ đồng, giảm 37%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 153,7 nghìn người, tăng 174,1%.
Tính chung quý I năm nay, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,2 tỷ đồng, tăng 26,9%.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong quý I năm nay, hầu hết các vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vùng Đồng bằng sông Hồng có 8,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,4% (vốn đăng ký đạt 85,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%); tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ…
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I năm nay là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I năm nay còn có 15.331 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 8.404 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động, chiếm 54,8% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; doanh nghiệp thông báo giải thể là 3.378 doanh nghiệp, chiếm 22% và 3.549 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23,2%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2019 là 4.116 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3.737 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,8% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 23%.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1,7 nghìn doanh nghiệp (chiếm 42,4%), tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 421 doanh nghiệp (chiếm 10,2%), giảm 2,8%; xây dựng có 401 doanh nghiệp (chiếm 9,7%), tăng 23,4%.
DiaOcOnline.vn – Theo VNmedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: