Top

9 tháng lên sàn, DN bất động sản niêm yết bớt 4.500 tỉ tồn kho

Cập nhật 04/12/2014 14:17

Theo thống kê của Vietstock, tại thời điểm 30.09.2014, tổng giá trị hàng tồn kho các doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn ở mức hơn 72,000 tỉ đồng, giảm hơn 4,500 tỉ đồng, tương ứng 6% so với đầu năm 2014.

Thị trường bất động sản đang dần khởi sắc. Ảnh: Bảo Chương

Một số doanh nghiệp giảm tồn kho nhiều như NDN, ITC, VC7, VIC, RCL, TIX, KHA, C21, SCR… Nổi bật có thể thấy ITC sau khi hoàn tất chuyển nhượng xong dự án Intresco Tower đã giúp giá trị tồn kho của ITC giảm gần 430 tỷ đồng so với đầu năm khi ở mức 1.242 tỉ đồng.

Riêng VIC, tồn kho giảm 28% so với cuối năm 2013, tương ứng giảm hơn 5.300 tỉ đồng. Trong đó, bất động sản để bán đang xây dựng của VIC giảm mạnh nhất, xuống còn 6.947 tỉ đồng, gồm chi phí liên quan tại dự án Vinhomes Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội, Royal City và Times City, hạng mục biệt thự thuộc Vinpearl Hội An, Vinpearl Nha Trang…

Ngoài ra, hiện VIC đang tồn kho 6.524 tỉ đồng bất động sản để bán thuộc dự án Royal City và Times City, dự án khách sạn Vinpearl Đà Nẵng Luxury, cơ sở hạ tầng dự án Vinhomes Riverside, các căn hộ mua để bán tại TPHCM…

Trong quý III, Savills ghi nhận, cùng với Q.7, Q.2 tiếp tục dẫn đầu về lượng giao dịch, chiếm 40% thị phần căn hộ tại TP.HCM, theo sau là Q.Tân Phú, Thủ Đức, Q.12 và Bình Tân chiếm tổng cộng 30%. Những diễn biến này được dự báo sẽ xảy ra trong năm 2015.

Bởi, xét về nguồn cung trong giai đoạn 2015 - 2017, thị trường tiếp nhận thêm 70.100 căn hộ từ 95 dự án tương lai cũng như hiện hữu, 29% trong số đó là từ các quận phía Đông. Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, trong những tháng cuối năm này, đã và sẽ có ít nhất 10 dự án căn hộ mới gia nhập thị trường.

Sự khởi sắc của thị trường còn thể hiện qua việc hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) nhà ở đang "hồi sinh" sau thời gian dài ngưng triển khai hoặc thanh khoản thấp. Nói về việc "hồi sinh" các dự án BĐS, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Land, cho biết, nhiều dự án ngưng trệ không chỉ do nguyên nhân tài chính mà còn ở vấn đề định vị sản phẩm và thiết kế quá lớn đẩy tổng giá bán một sản phẩm lên quá cao, không phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của phần đông khách hàng.

Được biết, trong thời gian qua, Hưng Thịnh đã mua lại hoặc tham gia với tư cách là đối tác để tiếp tục phát triển một số dự án nhà ở tại TP.HCM. Chẳng hạn, năm 2013, DN này đã kết hợp với Công ty TNHH Vật tư may xuất khẩu Tân Bình (Tamexim), cùng triển khai dự án căn hộ 91 Phạm Văn Hai (đối diện chợ Phạm Văn Hai), đây được xem là một trong số những dự án tiên phong tại khu vực trung tâm có căn hộ diện tích nhỏ, với mức giá từ 1,6 tỷ đồng/căn và đến nay, gần 100% căn hộ đã được tiêu thụ.

Liên quan đến tình hình cạnh tranh trong phân khúc căn hộ, ông Lê Quốc Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Nhà Hòa Bình (đồng thời là chủ đầu tư dự án căn hộ The Ascent, Q.2), cho rằng, mức độ cạnh tranh hiện nay khá gay gắt, nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào chính sách bán hàng của chủ đầu tư, vị trí dự án và sự đa dạng về sản phẩm (diện tích) của một dự án.

"Trong những năm gần đây, phân khúc căn hộ hạng A không có sự dịch chuyển đáng kể, trong khi dự án nhắm đến khách hàng trung bình khá, thu nhập ổn định lại có đầu ra tốt, cho nên, dù đầu tư ở đâu đi nữa thì nhà phát triển cũng phải xác định rõ khách hàng mục tiêu và khả năng tài chính của họ”, ông Duy nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động