Top

Thêm tình huống ngăn cản khách tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 10/11/2014 11:03

Chị Bùi Bích (nhân viên của Công ty Bảo hiểm Manulife) muốn vay mua nhà theo chương trình ưu đãi tín dụng hỗ trợ mua nhà ở (gói 30.000 tỷ đồng). Nhân viên tư vấn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã xác nhận thu nhập của chị đủ điều kiện để Ngân hàng cho vay. Nhưng sáu tháng trước, chị đi xin xác nhận của UBND phường về tình trạng nhà ở, thì được trả lời là “chúng tôi không làm việc này”.

Nhiều tình huống chưa được tiên liệu khác liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo thống nhất đối với các UBND quận, huyện về việc xác nhận thực trạng nhà ở theo mẫu biểu quy định tại Thông tư 08/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Thời điểm này, vấn đề xác nhận thực trạng nhà ở của chị Bích đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, khả năng vay vốn mua nhà ở TP.HCM của vợ chồng chị còn để ngỏ, bởi theo hướng dẫn của Vietcombank, nếu không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, khách hàng cần có KT3 và xác nhận đóng bảo hiểm xã hội một năm. Vợ chồng chị muốn mua nhà tại Dự án Ehome 3 ở TP.HCM, nhưng cả hai lại đi làm và đóng bảo hiểm xã hội ở Bình Dương.

Ông Lê Minh Khánh, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (chủ đầu tư Dự án Ehome 3) cho biết, một số khách hàng gặp khó khăn tương tự khi tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà tại Dự án Ehome 4 nằm ở phía Bắc Sài Gòn, nhưng thuộc địa giới Bình Dương. Giao thông từ Ehome 4 về Sân bay Tân Sân Nhất chỉ mất 20 phút theo trục Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Giá bán căn hộ tại Ehome 4 cũng phải chăng.

Một khách hàng từ Đồng Nai cho biết, anh muốn mua một căn hộ nhỏ ở TP.HCM để làm chỗ ở cho con đi học và gia đình cũng chuyển lên sinh sống, nhưng hiện tại không thể vay ưu đãi, vì không có hộ khẩu thường trú, cũng không có bảo hiểm ở TP.HCM. Việc mua nhà ở Đồng Nai hoàn toàn nằm trong khả năng của họ, nhưng lại không phù hợp với định hướng tương lai của cả gia đình. Vì thế, dù thuộc đối tượng có thu nhập ổn định, có khó khăn về nhà ở, nhưng anh lại chưa thể mua nhà.

Một tình huống chưa được tiên liệu khác liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cũng được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu ra. Theo đó, trong giai đoạn khủng hoảng, một số chủ đầu tư phải chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư thứ cấp. Nhà đầu tư thứ cấp mua dự án dưới hình thức mua sỉ, bán lẻ căn hộ. Nhưng hiện nay, khách hàng mua nhà dự án từ những chủ đầu tư thứ cấp này lại không được hưởng ưu đãi tín dụng. Ông Châu cho rằng, đối tượng xét cho vay ưu đãi nên là căn hộ đủ tiêu chuẩn, chứ không nên xét người bán là ai?

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 30/6/2014 cho thấy, số khách hàng tiếp cận vay vốn đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại là 992 khách, với tổng hạn mức tín dụng cam kết là 1.188,27 tỷ đồng. Theo Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/8/2014, thì điều kiện vay mua nhà của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã thông thoáng hơn rất nhiều, song chưa tính đến yếu tố liên kết vùng ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP.HCM.

Theo tư vấn của các chủ đầu tư, khi không thể vay gói 30.000 tỷ đồng, khách hàng có thể chọn vay gói không hỗ trợ với lãi suất khoảng 7 - 8%/năm, được ân hạn trả gốc trong một - hai năm đầu. Tuy nhiên, khoản chênh lệch lãi suất giữa hai gói tín dụng không phải là nhỏ đối với những người có thu nhập thấp.

Vì vậy, người dân kỳ vọng, khi Ngân hàng Nhà nước soạn thảo Thông tư số 11/2013 quy định về cho vay hỗ nhà ở, nhằm đưa chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở của Nghị quyết 61 vào cuộc sống và Bộ Xây dựng cũng ban hành hướng dẫn mới, thì cần tính đến các trường hợp thực tế như trên, để gói 30.000 tỷ đồng được đẩy nhanh tiến độ và đến đúng đối tượng.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư