Đây là một trong những chỉ tiêu nằm trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030 được bàn thảo tại Kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 20 - 21/4.
Ảnh minh họa: Chí Cường
|
Theo quy hoạch tổng thể, dự báo tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 10%/năm. Con số này sẽ giảm xuống còn 9% trong giai đoạn 2016-2020 và 8% trong những năm 2021 - 2030. Đáng chú ý, tới năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội sẽ tăng lên mức 3.300 USD. Đến 2020, chỉ số này đạt 5.300 USD và đến 2030, mức thu nhập sẽ khoảng 11.000 USD/đầu người, tức hơn 900 USD/tháng.
Đến năm 2030 Hà Nội sẽ có dân số khoảng 9,4 triệu người, trong đó người dân sống tại đô thị là hơn 6,3 triệu người, ở nông thôn gần 3,1 triệu người. Hà Nội lúc đó là đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 cụm đô thị vệ tinh. Nhiều chỉ tiêu chính khác như xuất khẩu, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch... cũng tăng đều qua mỗi năm. Vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô sẽ đạt 54-55%. Trong khi ghi nhận thực tế cho thấy, tăng trưởng GDP của thành phố trong 5 năm gần đây đạt khoảng 10,2%. Ước tính năm 2010, GDP trên đầu người của Hà Nội đạt xấp xỉ 2.000 USD.
Tuy nhiên, phân tích tình hình hiện tại, các đại biểu cho rằng Hà Nội hiện nay chưa có điểm nhấn, tính bền vững của phát triển hiện còn hạn chế. Thành phố cũng chưa có tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế. Thu hút đầu tư cũng mới chú trọng số lượng chứ chưa hướng tới chất lượng, vẫn còn một số khu vực hoang hóa do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính... Vì vậy, các đại biểu đề nghị làm rõ việc thực hiện quy hoạch phải bắt đầu từ đâu, cách tiếp cận như thế nào, từ đó mới có thể định vị rõ việc xây dựng, quy hoạch thành phố trong tương lại. Nếu không làm rõ được định hướng thì chiến lược phát triển sẽ không khả thi. Ngoài ra phải đánh giá cho rõ liệu nhiệm vụ phát triển kinh tế đối với Hà Nội có quan trọng như đối với thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm vụ nào là trọng tâm của Thủ đô?
Đại biểu Trần Văn Thanh nêu ý kiến: “GDP chậm lại theo thời gian là hợp lý. Song khâu đột phá ở đây không thể kéo dài tới 40 năm. Chẳng hạn, trong 10-20 năm tới, nên chọn đột phá vào phát triển hạ tầng. Bởi cứ nói xây dựng 5 đô thị vệ tinh nhưng không cẩn thận 20 năm nữa cũng chưa đưa vào sử dụng được...”
Tính khả thi của nhóm giải pháp thu hút nguồn lực cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều ý kiến bình luận các giải pháp đề ra trong quy hoạch tổng thể còn chưa rõ, sẽ khó tạo ra động lực mới phát triển thành phố. “Đất đai là nguồn lực quan trọng nhất của thành phố. Đấu giá bán đất chỉ là tình thế, mãi rồi cũng hết. Quy hoạch phải làm rõ cơ cấu sử dụng đất. Phần nào cho đô thị, bao nhiêu cho nông nghiệp, công nghiệp... để tránh cách làm manh mún, như hiện nay...”, đại biểu Bùi Xuân Hộ bình luận.
Về nhân lực, Hà Nội có hàm lượng chất xám cao nhưng không tận dụng được. Vì vậy một số đại biểu cho rằng thành phố phải nhìn thẳng vào sự thật, tính toán rõ xem cần bỏ bao nhiêu tiền để đào tạo được nhân lực tốt. Nếu bố trí cán bộ theo kiểu chắp vá như hiện nay sẽ khó lòng phát triển...Ngoài ra, phải xem lại cơ chế thu hút người tài, bổ sung vào bộ máy quản lý bởi hiện nay sức ỳ đang khá lớn, người tài “chạy” đi nơi khác hết...
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: