Càng ngày khách hàng càng khó vay tín chấp hơn. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Người vay tiêu dùng hiện đang khốn đốn vì lãi suất cao, phổ biến ở mức 16 - 21% và điều kiện cho vay ngặt nghèo. Một số công ty tài chính có “cửa" vay thông thoáng hơn thì lãi suất lên tới… trên 30%, và không phải khách hàng nào cũng đủ điều kiện tiếp cận vốn.
Trong khi đó, các ngân hàng lại đang tích cực rà soát các khoản vay cùng với tăng thêm các điều kiện ngặt nghèo hơn.
Chóng mặt vì lãi cao, điều kiện khó
Gia đình chị Nguyễn Mai Phương đang sửa nhà nhưng thiếu khoảng 30 triệu đồng, nên chị quyết định vay ngân hàng để trả dần bằng lương. Khi đến Sở giao dịch Vietcombank Hà Nội để hỏi vay thì chị mới hay là điều kiện của mình không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng này.
Nhân viên ngân hàng cho biết chị chỉ đáp ứng được một yêu cầu của ngân hàng là lương đã được trả qua thẻ của Vietcombank. Đã vậy, thu nhập của chị chỉ là 5 triệu đồng/tháng nên ngân hàng không thể cho chị vay vì theo quy định của ngân hàng, khách hàng phải có mức thu nhập từ 6 triệu đồng trở lên mới được vay.
Nhờ người quen mách, chị Hương lại chạy sang Ngân hàng Quốc tế (VIB) chi nhánh Long Biên. Tại đây, chị cũng nhận được câu trả lời là trường hợp của chị khó có thể vay được. Lý do đưa ra là trong một công ty phải có từ 10 người trở lên vay tiền thì nhân viên ngân hàng mới đến làm thủ tục. Hơn nữa, phải có chữ chữ ký của người quản lý trực tiếp thì ngân hàng mới cho vay.
“Mình chỉ vay có mấy chục triệu mà phải cầu cạnh đến sếp thì phiền quá, với lại, công ty chỉ có mình tôi muốn vay thôi chứ kiếm đâu ra 10 người bây giờ,” chị Phương than thở.
Một trường hợp khác là anh Lê Văn Thành ở Long Biên - Hà Nội cũng định vay tiền ngân hàng để mua một mảnh đất. Đến tìm hiểu thông tin của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - một trong những nơi có lãi suất hấp dẫn, anh được nhân viên tư vấn tài chính cá nhân nói là có thể vay 1 tỷ đồng theo hình thức vay thế chấp vì đáp ứng được đủ các điều kiện như tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng là gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, anh Thành còn được bố mẹ cho mượn sổ đỏ để thế chấp căn nhà trị giá 3,5 tỷ đồng.
Chưa kịp vui mừng vì đủ điều kiện vay tiền, anh Thành lại gặp nỗi lo mới khi được thông báo lãi suất vay lên tới 1,75%/tháng (tương đương 21%/năm) tính theo dư nợ giảm dần. Anh Thành ngao ngán: “Lãi suất cao thế này thì đi làm chỉ đủ ‘kéo cày trả nợ’ ngân hàng.”
Dẫu sau, anh Thành còn được xếp vào hàng may mắn khi được ngân hàng xem xét đến. Nhiều người tiêu dùng khác không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng đã phải tìm đến công ty tài chính như Prudential với lãi suất vay cao “chót vót”, đến 34%/năm.
Nhà băng chủ trương “đóng”
Một số ngân hàng cho biết hiện không chủ trương phát triển mạnh cho vay tín chấp vì nhiều lẽ, trong đó có chuyện rủi ro cao, khó quản lý vì khách hàng hầu hết vay món nhỏ.
Anh Bách Hợp, nhân viên thu hồi nợ một công ty tài chính tại Hà Nội, cho biết nhiều khách hàng có kế hoạch vay để "quỵt" nợ. Anh kể, một nữ khách hàng ở Tập thể Nam Đồng vay 20 triệu đồng và đã hơn ba tháng chưa thanh toán gốc và lãi hàng tháng. Gọi điện thoại thì di động tắt máy, điện thoại bàn thì người nhà bảo chưa về. Công ty cho nhân viên đến tận nhà, khi gặp được thì cô ấy bảo là chưa bao giờ vay. Phải mất hàng tháng trời điều tra, cuối cùng mới biết cô này đã có chủ đích "quỵt" nợ ngay từ đầu.
Chính vì vậy, mặc dù có ngân hàng vẫn triển khai cho vay tiêu dùng, nhưng điều kiện lại ngặt nghèo hơn trước. Nhân viên tín dụng của một ngân hàng cho hay trước đây ngân hàng này chỉ yêu cầu người vay có hộ khẩu hoặc KT3, thu nhập hàng tháng từ 3 triệu đồng, có chỗ làm ổn định một năm trở lên và có điện thoại cố định. Thế nhưng, hiện nay các ngân hàng đều nâng mức thu nhập đủ điều kiện vay lên thành 5 triệu đồng/tháng trở lên, không được ở nhà thuê, kể cả trường hợp có nhà nhưng đã cho thuê và đi thuê lại nhà khác để ở. Nhân viên này cho biết, do hình thức cho vay tín chấp rất rủi ro và lượng khách hàng vay vốn theo dạng này ngày một nhiều nên ngân hàng phải tăng thêm điều kiện để “thanh lọc”.
"Chắc ăn" hơn, Techcombank đã ngưng cho vay tín chấp từ tháng 5/2009 và hiện chỉ còn cho vay tín chấp theo hình thức trả lương qua tài khoản của Techcombank. Nếu khách hàng có nhu cầu vay thì phải vay qua ngân hàng bằng việc thế chấp sổ đỏ, đăng ký ô tô hoặc sổ tiết kiệm.
Một số ngân hàng khác như Đông Á Bank, MHB dù không thông báo nhưng chỉ xét cho vay với rất ít trường hợp, còn lại từ chối giải ngân.
Về phía khách hàng đi vay, nhiều người cho rằng nhiều thủ tục như vậy thì họ rất khó tiếp cận vốn ngân hàng, ô tô thì không phải ai cũng có, nhà ở thì có nhưng chưa chắc đã có sổ đỏ.
Lãnh đạo Ngân hàng An Bình phân tích: “Nguyên nhân các ngân hàng siết chặt cho vay tiêu dùng là vì tính thanh khoản trên thị trường. Trong khi đó, lãi suất cho vay và lãi suất tiết kiệm đang quá sát nhau nên gần như các ngân hàng không có lãi. Do đó, ngân hàng phải kiểm soát nguồn vốn cho vay tiêu dùng vì mức rủi ro cao.”
Các ngân hàng khác cũng cho biết, từ cuối năm 2009, sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cụ thể về kế hoạch thanh kiểm tra chất lượng tín dụng, cho vay hỗ trợ lãi suất, hoạt động cho vay tín chấp tiêu dùng đã “xìu” hẳn. Thay vào đó, các ngân hàng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng có thế chấp, chủ yếu là cho vay mua nhà, xây sửa nhà... nhưng với lãi suất thỏa thuận.
Với mặt bằng lãi suất huy động 10,5%, cộng với chi phí khuyến mãi trên dưới 1%, các ngân hàng thường áp lãi suất vay tiêu dùng với mức cao nhất 16-18% sau khi tính đủ chi phí và dư địa lợi nhuận cho mình. Cá biệt, có nơi đẩy lãi lên trên 20% khiến những người có ý định vay tiêu dùng cá nhân phải cân nhắc kỹ.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lý giải sở dĩ lãi suất cho vay tiêu dùng cao là bởi có rủi ro cao. Hơn nữa, chi phí ngân hàng phải bỏ ra trong quá trình cung cấp dịch vụ này cũng cao hơn nhiều so với cho vay doanh nghiệp. “Nhân viên tín dụng vẫn phải thẩm định từng hồ sơ vay vốn. Trong khi, một dự án vay của doanh nghiệp giá trị có thể lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng vay tiêu dùng chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng,” ông này nói.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng thi cho rằng dù mức tăng dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống, nhưng nếu không có biện pháp quản lý chặt sẽ rất nguy hiểm vì tạo ra vòng luẩn quẩn. Khách hàng thế chấp nhà vay tiền mua chứng khoán rồi lại thế chấp chứng khoán vay tiền, như vậy sẽ rủi ro cho ngân hàng và cho cả nền kinh tế.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: