Quy định cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam đã có hiệu lực nhưng thực tế còn một số vướng mắc.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Việt kiều có quốc tịch Hà Lan cho biết, hiện nay có rất nhiều Việt kiều có mong muốn mua và sở hữu nhà tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu đi lại, thăm hỏi và tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư kinh doanh tại quê hương.
Tuy nhiên, thời gian trước đây khi pháp luật trong nước liên quan đến vấn đề sở hữu nhà của Việt kiều định cư ở nước ngoài có những quy định chưa rõ ràng, nên thường xảy ra nhiều mâu thuẫn, tranh chấp.
Mặc dù Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015 đã phần nào giải quyết những khó khăn cho người dân có nhu cầu sở hữu nhà ở, trong đó có bộ phận không nhỏ là người nước ngoài, Việt kiều về làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho đến nay con số Việt kiều thực sự được sở hữu nhà vẫn rất ít do các thủ tục về mua bán, chuyển nhượng, sở hữu nhà với Việt kiều vẫn còn rất rườm rà, phức tạp khiến không ít người nản và từ bỏ ý định.
Nhiều người nước ngoài quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam
|
Theo Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), hiện tại có khoảng 4,2 triệu Việt kiều làm ăn, sinh sống ở nước ngoài. Trong số này, không ít người thường xuyên đi về giữa 2 nước nên rất có nhu cầu muốn sở hữu nhà.
Với hành lang pháp lý từ những năm 2008, Quốc hội đã thông qua nghị định hướng dẫn cho người nước ngoài mua nhà và gần đây nhất là Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở (2014) một lần nữa lại làm mới thêm vấn đề này với nhiều quy định được cho là cởi bỏ, gỡ vướng.
Nhưng thực tế đến nay con số người nước ngoài được sở hữu nhà mới có hơn 200 trường hợp. Phần lớn những người được hỏi đều vướng mắc ở các thủ tục chứng minh để đủ tiêu chuẩn được sở hữu nhà. Đơn cử như đối với việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam của Việt kiều ở nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài là Sở Tư pháp cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (hiện nay, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài nhưng cơ quan này không có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt ở nước ngoài). Căn cứ để xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt ở nước ngoài chủ yếu là khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, chứng minh nhân dân, hộ khẩu...
Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nay không còn lưu giữ được hồ sơ hộ tịch, nhiều trường hợp hồ sơ hộ tịch gốc cũng không còn lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền trong nước.
Như vậy, một lý do tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại gây trở ngại cho không ít người nước ngoài khi có nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam. Đó là chưa kể đến những quy định khác về thời hạn sở hữu nhà, mua nhà theo khu vực giới hạn an ninh quốc phòng, quy định chuyển tiền từ nước ngoài về để mua nhà hay cấp visa, thị thực...
Bàn về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP. HCM cho rằng, đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài định cư tại Việt Nam, luật mới có mở rộng hơn nhưng cũng không thể hoàn toàn giống như người Việt Nam ở trong nước.
Ngoài ra, luật mới trong quá trình thực thi vẫn cần phải tiếp tục quá trình hoàn thiện để chính sách đi vào thực tiễn giúp người dân có thể yên tâm thụ hưởng quyền lợi và nghĩa vụ tốt nhất, đồng thời tạo thêm cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cần phải có giải pháp phù hợp để xử lý để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội được mua và sở hữu nhà bằng cách bổ sung chế định, giao cho Tòa Dân sự thẩm quyền ban hành "án thế vì khai sinh" trên cơ sở khai trình của những người có liên quan.
Cần có hai nhân chứng tuyên thệ, cam kết chịu trách nhiệm, để xử lý các trường hợp chưa có khai sinh hoặc không thể về quê gốc để trích lục khai sinh nhằm hợp pháp hóa các trường hợp chưa có khai sinh, hoặc không còn hồ sơ hộ tịch gốc.
Những điều này mục đích nhằm xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt ở nước ngoài để góp phần thực hiện đầy đủ quy định của Luật Nhà ở 2014 cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước. Hiệp hội cũng đề nghị Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội, TP. HCM cũng là những cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt ở nước ngoài.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: