Hà Nội có khoảng hơn 200 dự án nhà ở cao cấp, thế nhưng dù đến nay đã gần 3 năm có hiệu lực của quy định cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam nhưng cả khách hàng lẫn chủ đầu tư vẫn phải chờ việc xác định danh mục dự án được phép bán cho đối tượng này.
Hiện chưa có con số thống kê chính xác của cơ quan chức năng về việc người nước ngoài mua nhà tại Hà Nội
|
Theo các phòng giao dịch nhà đất trên địa bàn Hà Nội, lâu nay các khách hàng người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam thường vẫn phải “lách” bằng cách nhờ người quen đứng tên hộ hoặc lấy tên vợ hay chồng là người Việt.
“Luật Nhà ở 2014, đã nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, tuy nhiên số lượng người mua nhà vẫn còn rất ít vì đến nay chưa có danh mục dự án và chủ đầu tư nào được phép bán cho đối tượng này”, ông Hoàng Minh Công, sàn giao dịch BĐS Info cho biết.
Theo ông Công, người nước ngoài mua căn hộ dưới dạng sang nhượng, ủy quyền cũng bị thiệt và sợ rủi ro. Bởi từ căn hộ sở hữu lâu dài nếu bán cho người quốc tịch nước ngoài khi sang tên giấy sở hữu sẽ thành căn hộ có thời hạn tối đa không quá 50 năm.
Không chỉ khách hàng, các chủ đầu tư cũng gặp khó trước những vướng mắc trong việc xác định dự án có được bán cho đối tượng này hay không. “Hiện nguồn cung các dự án chung cư cao cấp rất lớn nếu bán được cho đối tượng là người nước ngoài thì thị trường sẽ có nhiều tích cực, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dù Nghị định về Luật Nhà ở đã có hiệu lực từ 2015 nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa cho phép danh mục dự án nào được bán cho người nước ngoài. Chúng tôi cũng rơi vào cảnh rất khó xử vì nếu bán cho đối tượng này rồi sau này dự án không nằm trong danh mục được phép thì sẽ phải xử lý và đền bù hợp đồng với khách hàng ra sao? Còn không bán thì lại mất cơ hội vì phải ngồi chờ', một chủ dự án cho biết.
Trao đổi với Tiền Phong, Phòng Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, đến thời điểm này chưa có một con số thống kê chính thức về số trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. “Con số thống kê, công bố đối tượng này chủ yếu là do các Cty nghiên cứu thị trường, các chủ dự án hay đơn vị môi giới đưa ra, chứ con số của cơ quan chức năng là không có. Bởi đến thời điểm này đã có địa phương nào công bố danh mục dự án, khu vực được bán cho đối tượng này đâu?”,vị cán bộ cho biết.
Theo vị này, Nghị định 99 hướng dẫn Luật Nhà ở (có hiệu lực năm 2015), quy định Bộ Quốc phòng; Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ xác định cụ thể danh mục dự án nhà ở trên địa bàn đủ điều kiện cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu, cũng như tỉ lệ và số lượng nhà ở (căn hộ, nhà ở riêng lẻ) mà đối tượng này được sở hữu tại mỗi dự án.
“Nhiều chủ dự án có văn bản hỏi về vấn đề này, chúng tôi cũng đã báo cáo thành phố và thành phố cũng đã xin ý kiến của hai Bộ trên. Hiện các đơn vị liên quan đang rà soát các dự án cụ thể để xác định vị trí, khu vực được phép bán cho người nước ngoài. Sau đấy chúng tôi mới có cơ sở để công bố danh mục dự án nào được phép bán cho người nước ngoài”, vị này cho biết.
Được biết, Bộ Xây dựng cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện quy định của Luật Nhà ở về mua và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, đề nghị các địa phương khẩn trương xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương.
Xác định danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nằm trong khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở. Căn cứ vào quy định của pháp luật về nhà ở, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Theo các chuyên gia BĐS việc xác định danh mục được phép bán cho người nước ngoài nên làm từ đầu khi quy hoạch dự án như xin thỏa thuận độ cao tĩnh của công trình chứ không sẽ gây rủi ro cho cả khách hàng, chủ dự án nếu trường hợp dự án không nằm trong danh mục.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: