Khi được tin Chính phủ Việt Nam chuẩn bị nới rộng chính sách cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại Việt Nam, nhiều công dân ngoại quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam tỏ ra rất hào hứng.
Nhiều công dân ngoại quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam tỏ ra rất hào hứng khi biết có thể mua, sở hữu nhà tại Việt Nam.
|
Họ cho rằng, chính sách hiện có là quá chặt chẽ và nhiều rào cản dẫn đến dù rất muốn mua, họ vẫn khó lòng thoả mãn nguyện vọng.
“Người trong cuộc” nói gì?
Với xu thế hội nhập, ngày càng có nhiều công dân nước ngoài đến sống và làm việc tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn (hiện đã có khoảng hơn 100.000 người). Kéo theo đó, nhu cầu mua và sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài cũng ngày càng tang; mặc dù năm 2008, Quốc hội đã có Nghị quyết 19 về việc thí điểm cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại VN trong thời hạn 5 năm. Một năm sau đó, Chính phủ có Nghị định 51 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 19.
Trong đó, cho phép một số cá nhân người nước ngoài (NNN) đang làm việc, hoạt động tại Việt Nam được sở hữu một căn hộ chung cư tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trong thời gian tối đa 50 năm. Tuy nhiên, theo chính các công dân nước ngoài thuộc đối tượng này thì chính sách về vấn đề này mà Việt Nam dành cho họ vẫn còn quá nhiều rào cản với những quy định khá “rắn” và thủ tục thì khó khăn phức tạp.
Peterson- một thương gia người Australia đang công tác tại Hà Nội- cho biết, anh và gia đình đã sang Việt Nam từ năm 2008, đến nay đã được gần 5 năm, nhưng anh vẫn chưa đủ các điều kiện để được mua nhà tại Hà Nội vì không nằm trong “diện chính sách”. Và vì vậy, anh vẫn đang phải thuê một căn hộ chung cư tại toà nhà Pacific, phố Lý Thường Kiệt với giá lên đến 3.000USD/tháng.
“Tôi rất muốn mua một căn hộ cao cấp vì xác định sẽ gắn bó lâu dài với Việt Nam. So với số tiền tôi phải bỏ ra thuê nhà hằng tháng như hiện nay, rõ ràng mua nhà sẽ có lợi hơn cho tôi rất nhiều. Nếu như ở Singapore hay Malaysia, tôi sẽ làm việc này rất dễ, nhưng ở Việt Nam thì quá khó” - anh Peterson nói.
Cùng cảnh ngộ với Peterson, Alexander- một người Mỹ sống ở Việt Nam lâu năm- cũng cho biết, hiện bạn bè anh nhiều người đã sang Việt Nam ở được 5 – 6 năm rồi nhưng vẫn chưa thể có được một chỗ định cư ổn định. “Ở Việt Nam, việc thuê nhà cũng rất bất tiện, những căn hộ ở lâu dài, đẹp và môi trường tốt thì có giá rất cao, thường từ 2.000 – 3.000USD/tháng. Còn các căn hộ rẻ hơn thì ở xa, bất tiện, tiện nghi không tốt và chủ nhà Việt Nam cũng thường hay tăng giá hoặc thấy có người trả thuê cao hơn thì đòi nhà. Rất nhiều người như tôi muốn làm việc lâu dài tại Việt Nam, nhưng lại rất khó có được một nơi ở ổn định”- anh Alexander tâm sự.
Khác với 2 trường hợp trên, anh Hirosi Nikita- một chuyên gia người Nhật- cho biết anh có đủ các điều kiện để mua nhà ở Việt Nam và đã có ý định mua. Tuy nhiên, điều làm anh hết sức băn khoăn là vấn đề sở hữu và những quy định ràng buộc như chỉ được mua để ở và khó khăn khi muốn chuyển nhượng nếu về nước.
“Việt Nam nên làm như Nhật Bản. Ở nước tôi, bất cứ cá nhân quốc tịch nước ngoài nào đều có thể mua hợp pháp BĐS ở Nhật Bản mà không bị hạn chế gì. Nhật Bản không có bất kỳ yêu cầu nào về tình trạng thường trú. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu rất đơn giản và không bị phụ thuộc gì cả. Chính vì thế, thị trường BĐS của chúng tôi phát triển rất tốt, có nhiều người nước ngoài sở hữu BĐS tại đất nước chúng tôi. Các bạn không nên lo ngại về vấn đề an ninh hay những phức tạp phát sinh từ việc mở cửa tự do cho người nước ngoài mua nhà. Chúng ta có rất nhiều luật để để điều chỉnh việc này” - anh Nikita phân tích.
Cần sớm tháo gỡ những “rào cản”
Thạc sĩ Vũ Nhật Minh- một chuyên gia nghiên cứu, tư vấn chính sách BĐS- cũng cho rằng: Nhiều quốc gia phát triển như Tây Ban Nha, Mỹ, Australia, các nước vùng Vịnh, thậm chí là Singapore, Hồng Kông (nơi diện tích đất đai rất eo hẹp)… đều hết sức cởi mở và khuyến khích người nước ngoài sở hữu nhà ở tại đất nước của họ, và họ hiểu sâu sắc việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài không những không làm mất cơ hội mua nhà của người trong nước, mà trái lại còn thúc đẩy, tạo công ăn việc làm và tăng cơ hội sở hữu nhà cho người trong nước. Việc hạn chế các đối tượng thực sự có khả năng chi trả đầu tư và sở hữu BĐS đang gây ra sự lãng phí rất lớn cho việc sử dụng tài nguyên đất đai một cách hiệu quả, làm giảm tính thanh khoản, sức hấp dẫn thu hút đầu tư của ngành BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ông Leon Cheneval- Phó giám đốc CBRE mảng thẩm định giá bất động sản- cho rằng, hiện nay chính sách về việc cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam vẫn còn quá “chặt”, khiến cho nhiều người có đủ tiềm lực tài chính nhưng vẫn khó tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở. Cụ thể nhất là việc quy định người nước ngoài chỉ được phép thuê dài hạn, mà không được phép sở hữu nhà. Còn đối với những người đủ điều kiện để mua thì sẽ chỉ được ở, không được cho thuê lại.
Theo Leon Cheneval, Việt Nam cần sớm “nới lỏng” thậm chí là “dỡ bỏ” hẳn những rào cản trong việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Chính vì vậy, khi được biết, Bộ Xây dựng đang có chủ trương trình Quốc hội cải tiến chính sách này theo hướng không chỉ giới hạn ở người nước ngoài đang làm việc, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mới được mua nhà, mà còn mở rộng ra với những người nước ngoài có nhu cầu và hướng họ vào phân khúc nhà giá cao, ông Cheneval đánh giá rất cao và cho đó là một quan điểm hết sức đúng đắn, chính xác.
Theo luật sư Bùi Quang Hưng- Văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự- thì việc nới lỏng chính sách để người nước ngoài có thể mua nhà ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay cũng là điều hợp lý. Trong tương lai, việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng cần được mở rộng và cần phải xem xét nhà như một loại hàng hoá thông thường. Cần khuyến khích người nước ngoài đầu tư và tham gia thị trường bất động sản. Cũng theo ông Hưng, việc quy định người nước ngoài chỉ được mua 1 căn hộ chung cư với mục đích để ở là bất hợp lý, cần sớm được điều chỉnh.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, nếu một cơ chế thông thoáng cho người nước ngoài mua nhà được thông qua, trong vài năm tới sẽ có hàng chục nghìn căn hộ chung cư cao cấp tại Việt Nam được bán cho người nước ngoài, bao gồm trước hết những người nước ngoài đang sinh sống, kinh doanh, làm việc tại Việt Nam, thân nhân và bạn bè của họ. Vốn thu hồi từ việc bán căn hộ chung cư cho người nước ngoài chắc chắn sẽ tạo cú hích để góp phần phục hồi thị trường BĐS Việt Nam, qua đó giảm bớt được khó khăn cho ngân hàng và một số ngành kinh tế khác.
Bà Vũ Thanh Nga- Giám đốc sàn BĐS Thanh Nga- cho biết, hiện nay có rất nhiều khách nước ngoài hỏi mua các căn hộ tại những dự án cao cấp ở trung tâm. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỉ đồng để sở hữu một căn hộ tại Hà Nội. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi phân tích về những quy định pháp luật thì họ rất buồn khi mình không phải là đối tượng được mua. Và nếu được thì họ cũng rất lo ngại về vấn đề sở hữu. “Hầu hết đều rất ngạc nhiên với những quy định của Việt Nam”- bà Nga nói.
Có thể nói rằng, đến thời điểm này, việc sửa đổi chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là rất cần thiết. Hiện nay, so với hầu hết các nước ASEAN, Việt Nam hiện đang có những quy định chặt chẽ bậc nhất trong vấn đề bán và sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài. Do quá nhiều giới hạn quyền sở hữu và khu biệt hạn hẹp đối tượng người nước ngoài được mua bán, sở hữu dẫn đến tình trạng chính sách này “có như không”. Chính vì vậy, xã hội rất mong mỏi Chính phủ sẽ sớm sửa đổi chính sách này, tạo nên ''liều thuốc'' kích thích cho thị trường BĐS Việt Nam; đồng thời thể hiện mạnh mẽ chính sách hội nhập cởi mở.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: