Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là đóng góp cho quốc gia, đất nước ta.
Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, tới đây sẽ không hạn chế số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, thời hạn là 50 năm và có thể gia hạn thêm. Vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi. Một bên cho rằng nới rộng các quy định cho người nước ngoài mua nhà trong bối cảnh hiện nay là hợp lý; một bên cho rằng thả cửa cho người nước ngoài mua nhà là không nên vì nếu không khéo thì rủi ro khó lường.
Thế giới không có khái niệm người nước ngoài
Nhìn vào các nước trên thế giới, dường như ai cũng có thể mua nhà bởi họ không phân biệt người nước ngoài và người trong nước.
Nếu sang Mỹ vào một ngày đẹp trời, anh quá thích thú một căn hộ đẹp đang rao bán thì anh có thể vào hỏi và mua ngay. Việc ký hợp đồng, sang tên chỉ mất 2-4 ngày sau khi làm các thủ tục như kiểm tra căn nhà đó xem có mối mọt hay thiếu nợ và có tranh chấp gì... Không những thế ngân hàng tại Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ cho vay tới 80% giá trị căn hộ đó nếu người mua có đủ các chứng từ thông thường chứng minh khả năng trả nợ.
Đó là lý do vì sao chúng ta thấy các ngôi sao Hollywood họ đi khắp nơi và mua nhà cửa ở khắp nơi để đi chơi, làm việc. Có những người chỉ thích đi biển đã chọn mua nhà ở Riviera ở nước Pháp. Có người thích trượt tuyết vào mùa đông nên sang thị trấn Aspen ở Mỹ để mua… Một người có thể sở hữu rất nhiều bất động sản ở nhiều quốc gia khác nhau là bình thường.
Nếu chúng ta lý giải vì do diện tích đất rộng và hẹp vậy tại sao ở Andorra - tiểu vương quốc nhỏ bé nằm giữa biên giới nước Pháp và Tây Ban Nha với diện tích đất 100% là núi rừng và bảy thành phố đều nằm dưới các thung lũng lại chỉ 33% là người bản địa. Bởi ở đây cả thế giới nếu muốn đều có thể đến đây mua nhà nghỉ dưỡng. Vì thế có tới 67% số người sở hữu nhà đất ở đây đến từ các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Ý...
Mở rộng cho người nước ngoài mua nhà là tất yếu nhưng mở như thế nào vẫn đang còn tranh luận. Ảnh minh họa: HTD
|
Nên khuyến khích người giàu sống ở nước mình
Từ lâu Chính phủ đã cho phép người nước ngoài vào đầu tư, mua những công ty, khu công nghiệp, khách sạn lớn hay cho thuê đất nuôi cá, nuôi tôm, trồng rừng. Cụ thể, chúng ta đã cho các ông chủ người Trung Quốc đứng đầu các tập đoàn lớn thuê 50 năm trồng rừng nguyên liệu, rồi sở hữu cả khu đất ở miền Trung có đường bờ biển dài hàng chục kilomet. Chúng ta sẵn sàng cho họ thuê 50-70 năm và trên diện tích hàng chục hecta đất ở Bắc Ninh thì tại sao lại khống chế mua một, hai căn hộ hay ba, bốn chục phần trăm trong một khu căn hộ. Việc họ thuê chừng ấy thời gian cũng như gần một đời người và cũng không khác nào là mua đất. Còn nhớ tại TP.HCM từ nhiều năm trước cả khu chợ lớn đều là người Trung Quốc và số người Việt Nam chen chân vào đây rất ít. Nhưng đến giờ, mấy chục năm rồi mọi thứ cũng thay đổi. Để thấy khoảng thời gian hàng chục năm như vậy thiếu gì chuyện xảy ra và chúng ta cho thuê nhưng không chấp nhận bán một vài căn hộ và lấy lý do sợ rủi ro này rủi ro khác là không hợp lý.
Hơn nữa, chúng ta lấy lý do sợ họ hình thành khu phố Tây, Tàu…, thực ra dăm bảy căn nhà liền kề của người Hoa sinh sống thì người ta gọi thế. Nhưng họ đang sống trên lãnh thổ của Việt Nam phải tuân thủ các luật pháp của Việt Nam. Khi muốn xây nhà, sửa chữa nhà… họ cũng phải xin phép sở, ban ngành. Nói chung đất đó vẫn ở đó, người ta không thể vác trên vai miếng đất đó đi đâu được cả.
Cũng có ý kiến cho rằng nếu mở cửa như thế con em người Trung Quốc sang mua nhà, mua hết đất của chúng ta thì sao. Liệu con em ở Trung Quốc họ có mấy chục tỉ đôla để mua hết nhà của chúng ta hay không. Và giả sử nếu có nguy cơ như thế thì đó là một vấn đề khác nữa. Bởi khi hàng ngàn người Trung Quốc mua nhà tại Việt Nam thì đó không phải dấu hiệu kinh tế mà là tình trạng của an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, làm gì có chuyện đó mà lo lắng.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: