Căn bếp nhà bạn bóng loáng không có nghĩa là nó đã hoàn toàn sạch. Nếu bạn lau bằng miếng bọt biển rửa bát hoặc chiếc khăn lau bàn chưa giặt kỹ thì dù bóng bẩy, bếp vẫn toàn vi trùng.
Bọt biển là nơi ẩn náu của rất nhiều loại vi khuẩn và quá trình lau sẽ mang vi khuẩn trải đều trên bề mặt bàn bếp. Bạn có thể giảm bớt vi khuẩn cho bọt biển bằng cách giặt sạch ngay sau khi dùng (xả bằng nước nóng càng tốt), sau đó vắt ráo, để trên giá cho khô.
Mặt khác, một miếng bọt biển chỉ có thể làm cho nhà bếp "trông có vẻ sạch" chứ không phải hoàn toàn sạch. Vì thế, bạn chỉ nên dùng nó để rửa bát. Trong trường hợp bạn lỡ làm nước cốt thịt, trứng sống đổ lên bàn bếp thì hãy dùng miếng khăn giấy để lau khô, sau đó lau lại bằng chiếc khăn sạch.
Thớt gỗ bẩn hơn thớt nhựa?
Bạn vẫn nghe rằng dùng thớt gỗ thái thịt sẽ không đảm bảo vệ sinh như thớt nhựa nó dễ sinh ra mùn.
Sự thật: Cả thớt gỗ và thớt nhựa đều đảm bảo vệ sinh như nhau với điều kiện bạn phải rửa sạch bằng nước rửa bát (rửa nước nóng càng tốt) ngay sau khi sử dụng.
Tốt nhất bạn nên có 3 cái thớt riêng biệt: Một cái để thái thịt chín, một cái dùng cho đồ sống, một cái để cắt trái cây rau củ.
Không nên để chai nhựa đựng nước trong tủ lạnh?
Bạn nghe đồn rằng, nếu thường xuyên để chai nhựa đựng nước uống trong tủ lạnh, các chất gây ung thư trong chai có thể phóng thích vào nước.
Sự thật: Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn cho biết nếu trong thành phần của chai nhựa có chất gây ung thư thì quá trình đông lạnh cũng không làm chúng giải phóng những chất này vào nước uống.
Vì vậy, nếu muốn để nước uống trong tủ lạnh, hãy súc sạch chai nước trước khi rót nước vào. Tốt nhất nên súc bằng nước ấm, để khô sau vài lần sử dụng nên súc lại.
Cần rửa thịt trước khi chế biến, còn rau củ thì không?
Nhiều người cho rằng rửa trước khi chế biến là điều bắt buộc đối với thịt, còn với rau củ thì không thành vấn đề.
Sự thật: Hoàn toàn ngược lại. Thật ra thịt bị nhiễm bẩn trong quá trình giết mổ. Vì thế dù bạn có rửa cũng không thể làm chúng giảm bớt vi khuẩn, thậm chí làm vi khuẩn phát tán nhanh hơn. Với rau củ, nếu bạn để dưới vòi nước chảy thì sẽ giúp rửa trôi một lượng vi khuẩn đáng kể. Riêng với những loại rau và trái cây ăn sống, bạn càng phải rửa kỹ hơn.
Nên để thức ăn thật nguội trước khi cất vào tủ lạnh?
Đúng là như vậy. Bạn cần để thức ăn nguội ở một mức độ nhất định (khoảng 40 độ C) trước khi đem đông lạnh. Tuy nhiên, nếu để cho thức ăn nguội ở điều kiện bình thường thì sẽ có một lượng lớn vi khuẩn sinh sôi trong quá trình làm nguội. Vì thế, bạn nên cho những thức ăn vào nồi có nắp đậy và ngâm trong nước lạnh. Được làm lạnh càng nhanh, thực phẩm càng an toàn.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiếp Thị & Gia Đình
Ảnh: Internet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: