Top

Mùa Đông trên phố cổ Gifu

Cập nhật 21/10/2013 14:11

Takayama là thành phố nằm trên rặng Hida thuộc tỉnh Gifu của Nhật Bản, là một trong những điểm đến đặc biệt cho những ai yêu thích nét cổ kính. Từ thời phong kiến, những thợ mộc giàu kỹ thuật từ Takayama đã rất nổi tiếng và được mời đi khắp đất nước để thi công những công trình cho các bậc quyền quý.




Tôi đến Takayama chỉ với ít ỏi thông tin kèm khá nhiều lo lắng về trình độ tiếng Nhật có hạn bởi đi nhiều nơi trên xứ Phù Tang bạn khó có thể sử dụng Anh ngữ một cách phổ biến.

Takayama nhỏ xinh, thanh bình và gây thiện cảm với tôi ngay từ những phút ban đầu. Thật bất ngờ khi ga Takayama đón tôi bằng những bảng hướng dẫn và cả bản đồ rất rõ ràng bằng tiếng Anh. Thấy nhiều các bạn người Âu Châu tự tin rảo bước khiến tâm trạng tôi trở nên phấn chấn và an tâm hẳn về vấn đề giao tiếp.

Nếm rượu sake

Thành phố nằm bên bờ sông Miya-gawa này sống nhờ vào du lịch. Các gia đình đa phần mở hoặc cho thuê các căn nhà gỗ để kinh doanh dịch vụ bán hàng lưu niệm, quán ăn, cà phê và đặc biệt là rượu sake. Không khó để nhận ra những căn nhà cổ chuyên bán sake nhờ bó cây Tuyết Tùng – sugidama treo trước cửa. Cứ mỗi độ xuân sang, sau vụ mùa thu hoạch, những mẻ sake mới được hoàn thành thì gia chủ lại thay túm Tuyết Tùng mới để báo hiệu chào mời du khách ghé thăm. Sake ở Takayama nổi tiếng bởi gạo được các nông dân trực tiếp trồng trong vùng và nước nấu rượu trong lành nhất lấy từ đỉnh núi Hina gần đó.


Trong bất cứ tiệm Sake nào bạn cũng có thể thử nếm một vài li rượu đi kèm với lời giới thiệu chi tiết của chủ nhà. Khá hay là mỗi ly đều có tính chút tiền từ 150 – 200 Yên Nhật một cách kinh doanh rất thẳng thắn. Có hàng trăm loại sake do hàng chục gia đình ở Takayama sản xuất. Tùy vào sở thích du khách có thể chọn cho mình từng loại phù hợp.

Những ai thích vị thanh tao, nhè nhẹ có thể uống Ginjo-shu với hạt gạo được đánh bóng chỉ còn 2/3 kích thước thật. Còn muốn đậm đà, bạn có thể thử Daiginjo-shu được làm từ hạt gạo đánh bóng chỉ còn 1/2 kích thước thật. Với độ cồn chỉ khoảng 16-17%, những ly rượu sake được ủ lạnh làm tăng thêm cảm giác mát mẻ sau nhiều phút đi bộ ngoài trời. Thật khó để có thể quyết định mua chai rượu nào về làm quà bởi vị nào cũng ngon đến kỳ lạ. Chị Asuka chủ cửa hàng tươi cười chọn và cẩn thận gói chai sake Daiginjo-shu cho tôi. Chắc chắn đây sẽ là một chai rượu tuyệt vời bởi nó không chỉ có chất lượng mà còn chất chứa cả tình cảm nồng ấm của những người dân trong vùng Takayama.


Tôi bước ra con đường nhỏ đã bắt đầu đông khách, mua vài cây mitarrashidango và goheimochi (loại bột gạo nướng và có nước sốt rưới bên trên) nhấm nháp. Phía trước là một điểm đến đặc biệt đang chờ đợi.

Sanmachi và những căn nhà trải qua 4 thế kỷ


Trong Nhật ngữ, Takayama có nghĩa là ngọn núi cao. Thành phố chỉ vỏn vẹn gần 100 ngàn người trên diện tích 2000 km2 với không khí trong lành và sự thân thiện toát ra từ những cư dân bản địa. Không giống như các đô thị rộng lớn và nhộn nhịp khác, đời sống ở Takayama có vẻ từ tốn hơn. Những chiếc xe cũng lăn bánh đều đặn chứ không hối hả như Tokyo hay Osaka.


Dễ dàng đi quanh Takayama với tấm bản đồ được phát miễn phí tại trung tâm thông tin sát ga tàu. Khu phố cổ Sanmachi cách nhà ga chưa đến 20 phút đi bộ về phía Bắc. Đó là nơi tọa lạc của những căn nhà có tuổi thọ lên đến 4 thế kỷ và những con đường đi bộ nhỏ tĩnh lặng và hiền hòa. Những căn nhà tại khu phố cổ hoàn toàn không cũ kĩ như tưởng tượng ban đầu của tôi, lớp gỗ được sơn bóng đã lên màu. Mái nhà cũng có máng hứng nước mưa để đảm bảo gỗ không bị ẩm thấp.

Hai bên đường, hệ thống mương dẫn nước từ trên đỉnh núi về tạo nên tiếng róc rách khá vui tai. Vào những ngày nóng, chủ nhà dùng gàu tát nước lên đường cho mát.

Sau thảm họa sóng thần 2 năm trước, người dân Takayama đã hưởng ứng việc tiết giảm sử dụng năng lượng bằng cách trồng rất nhiều cây xanh trước cửa nhà. Người dân cũng rất thân thiện, luôn lịch sự cúi chào khách lạ. Nếu bạn có biết chút tiếng Nhật sẽ cảm thấy cực kỳ thú vị bởi họ sử dụng tiếng địa phương nghe khá lạ tai.


Từ Takayama, mất chưa đầy nửa tiếng để đến Shirakawa-go, ngôi làng tôi từng nghe rất nhiều người Nhật ca ngợi về vẻ đẹp tinh khôi đã được công nhận là di sản Unesco năm 1995. Từ trên đỉnh nhìn xuống thung lũng những mái nhà trắng xóa tuyết phủ ngả bóng trên mặt nước đẹp như một bức tranh.

Mùa tuyết rơi ở làng cổ Shirakawa-go

Đang là mùa Đông nhưng con đường trong ngôi làng di sản vẫn sạch sẽ, tuyết được dọn sang hai bên để mọi người dễ dàng qua lại. Báu vật của Shirakawa-go chính là những ngôi nhà Gasso-zukuri hơn 250 tuổi. Trong tiếng Nhật, Gassho-zukuri có nghĩa là “cấu trúc như bàn tay khép vào nhau khi cầu nguyện”. Nếu đã có lần đến những chùa chiền ở Nhật Bản bạn sẽ không khó nhận ra những vị sư hay những bức tượng chắp tay trước ngực một cách thành kính. Hình ảnh ấy rất dễ liên tưởng đến ngôi làng Gasso-zukuri với những mái nhà vút lên cao. Lối kiến trúc này được các thợ mộc thiết kế và thi công nhằm để chống lại lớp tuyết dày vào mùa Đông.

Thả bộ trên con đường vào làng Ogimachi (ngôi làng lớn nhất ở khu vực Shirakawa-go) tôi nhận ra những mái nhà lớn hơn hẳn trong những cuốn album mình từng xem. Thi thoảng có một vài người nông dân trèo lên hẳn mái nhà để xúc bớt tuyết. Tôi ghé vào một căn nhà Gasso-zukuri và cũng là bảo tàng với vé vào cửa giá 300 yen. Không gian mới mở ra, tầng trệt bài trí như một căn nhà Nhật Bản truyền thống với bếp lửa chính giữa, chiếu tatami lót nền, cửa kéo bằng giấy, những bộ chén đũa bằng gốm và gỗ sơn thếp khá tinh xảo được bảo quản qua nhiều thế hệ. Trên tầng hai là khu trưng bày nông cụ và các dụng cụ xe tơ, dệt vải cũng là nơi bạn có thể nhìn cận cảnh những gác mái được buộc chặt bằng lạt tre. Với những căn nhà cao, có thể vươn đến 3 – 4 tầng thì gian trệt thường là nơi sinh hoạt gia đình, bên trên là không gian để phụ nữ làm việc và cao nhất có thể là nhà kho.


Tôi khá bất ngờ trước những tấm ảnh miêu tả quá trình thi công Gasso-zukuri. Người thợ ở làng rất giỏi trong việc dựng nhà, họ không hề dùng đinh mà chủ yếu sử dụng mộng, lạt tre và dây thừng để cố định các cột và xà nhà. Mái nhà lợp bằng rơm và mỗi dịp như thế rộn ràng như một ngày hội. Hàng trăm đàn ông trai tráng bó hàng ngàn cụm rơm chuyền nhau từ chân lên đến chóp mái rất ấn tượng. Giới truyền thông cũng quan tâm đến sự kiện này do đó căn nhà gần đây nhất ở làng được lợp mái đã có đài truyền hình mang cả máy quay và các thiết bị như boom (cần cẩu) để ghi hình.

Nhiều ngôi nhà trong làng vẫn có người cư trú nên trong guide book (sách chỉ dẫn du lịch) luôn có ghi chú du khách hạn chế đi vào các khu vực riêng tư. Nhưng quả tình rất khó để không liếc mắt vào những ô cửa sổ xinh xinh hay tận tay chạm vào “chiếc rèm” băng chảy xuống từ mái nhà trong như pha lê.

Tôi quyết định trở về Takayama bởi muốn thưởng thức một buổi với onsen – tắm suối nước nóng. Biết nước Nhật vào những tháng 4 mùa hoa anh đào nở, mùa Hè nắng nóng nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi chạm bước Takayama và Shirakawago vào mùa Đông. Trên con đường, tuyết vẫn rơi nhẹ làm lòng tôi bỗng thổn thức, một cảm giác thi vị xen kẽ đơn độc với kẻ lữ hành như tôi. Xung quanh, những cánh đồng thẳng tắp bên dòng sông uốn lượn thanh bình mà tráng lệ…

DiaOcOnline.vn - Theo Một thế giới