Top

Xây tầng lánh nạn ở chung cư: Chủ đầu tư phớt lờ, coi thường quy định?

Cập nhật 07/12/2020 11:15

Theo quy định mới, nhà chung cư cao trên 100m (trên 30 tầng-PV) phải có tầng lánh nạn riêng cho cư dân để phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định mới khó thực hiện bởi chủ đầu tư không mặn mà làm, bởi họ sẽ vin vào quy định này mà làm đội giá căn hộ.

Nhiều dự án đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa nghiệm thu PCCC (Dự án tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) Ảnh: Trần Kháng

Trước đây, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà ở (năm 2015) dành riêng một mục về yêu cầu an toàn phòng cháy. Theo đó, đối với nhà cao trên 100m phải bố trí gian lánh nạn đáp ứng các yêu cầu sau: Các gian lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng; Gian lánh nạn phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150…Trong quy định này, có chú thích rất rõ: Có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm gian lánh nạn.

Tuy nhiên, thực tế, qua nhiều năm quy định có hiệu lực hầu hết các chung cư đều không bố trí gian lánh nạn. Các tầng kỹ thuật bị nhiều chủ đầu tư “hô biến” thành căn hộ để bán. Vì vậy, thời gian qua, không ít tòa nhà chung cư khi xảy ra hỏa hoạn, người dân chỉ còn cách chạy lên tầng thượng hoặc xuống tầng 1.

Tiêu chuẩn cũ chưa thực hiện được, mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (Quy chuẩn Việt Nam -QCVN 06 năm 2020) về An toàn cháy cho nhà và công trình áp dụng bắt buộc với tất cả các chủ đầu tư làm dự án nhà cao tầng với nhiều điểm mới. Cụ thể, tòa chung cư có chiều cao trên 100m phải bố trí tầng lánh nạn. Tầng lánh nạn có bố trí một hoặc nhiều gian lánh nạn.Trên tầng lánh nạn phải bố trí gian lánh nạn đảm bảo yêu cầu tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Không cho phép bố trí các căn hộ hoặc một phần căn hộ trên tầng lánh nạn…Ở chế độ hoạt động bình thường, cửa các thang máy chữa cháy không được mở vào những tầng lánh nạn đó…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, trước đây Bộ Xây dựng ban hành nhiều quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, thế nhưng, thực tế và đối chiếu với thực tiễn, một số quy định kỹ thuật quan trọng trong quy chuẩn cũ chưa có đủ điều kiện, cơ sở để đưa vào thực tế. Ví dụ như trước đây, ít có dự án trên 20 tầng nhưng giờ nhiều tòa nhà cao trên 20 tầng, thậm chí cao trên 50 tầng. Do đó, vấn đề trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn PCCC thoát hiểm để đến được tầng lánh nạn, gian lánh nạn là rất cần thiết.

Thứ trưởng Hùng cũng thừa nhận, nhiều dự án nhà chung cư, chủ đầu tư chưa tuân thủ quy chuẩn về PCCC, không thực hiện nghiêm các quy trình PCCC theo các quy chuẩn hiện hành, gây không ít khó khăn cho việc bổ sung, hoàn chỉnh, thực hiện PCCC tại các công trình nhà ở sau này, thậm chí khó khắc phục hậu quả nếu có.

Cả nghìn lý do để không thực hiện

Một chủ đầu tư đang làm dự án tại Gia Lâm chia sẻ: “Dự án cao 25 tầng với hơn 800 căn hộ nhưng không làm tầng lánh nạn, bởi dự án được phê duyệt trước khi quy chuẩn mới được áp dụng từ tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn cũ như không gian lánh nạn cũng khó thực hiện được bởi quy định này không phù hợp với thực tế.Các quy định về PCCC chồng chéo nhau gây khó cho chủ đầu tư làm dự án. Mọi người cứ nghĩ chỉ xây thêm tầng là xong nhưng nó phải theo tiêu chuẩn về PCCC nên chi phí sẽ tăng thêm nhiều”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) thừa nhận, việc tầng lánh nạn không được bố trí căn hộ, văn phòng, hoặc diện tích kinh doanh thương mại chắc chắn khiến chủ đầu tư mất hẳn nguồn doanh thu của một vài tầng trong dự án. Điều này dẫn đến việc làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh, quy mô dân số của dự án. Từ đó, dẫn đến việc làm tăng giá bán căn hộ và tăng giá bán các diện tích kinh doanh khác. Cuối cùng, người tiêu dùng (người mua nhà) phải gánh chịu việc tăng giá này.

Ông Châu cho biết thêm, hiện nay các tòa nhà chung cư hoặc cao ốc phức hợp có bố trí nhà ở cao tầng đã dần trở nên phổ biến, điển hình như Landmark 81 cao 461 m; Kaengnam Landmark 72 cao 336 m, Lotte Center Hà Nội cao 272 m.

Đối với các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội đã hình thành xu thế người dân lựa chọn sinh sống trong các căn hộ nhà chung cư cao tầng, nhất là các dự án được xây dựng trong vòng 10 năm gần đây. Vì vậy, cư dân sống tại các tòa cao ốc này phải được trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm và cần được phổ cập kiến thức về tầng lánh nạn, gian lánh nạn để di chuyển đến nơi an toàn.

Từ quan ngại trên, ông Châu đề xuất, để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng và người mua căn hộ, cơ quan cấp phép không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phản ánh của báo chí về việc quy định chung cư bố trí tầng lánh nạn có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao.

Văn bản nêu rõ: “Mới đây, báo chí phản ánh việc quy định nhà từ 30 đến 50 tầng phải bố trí 1 - 2 tầng lánh nạn có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao, khó triển khai thực hiện. Lâu nay, quy định về tầng kỹ thuật đã rất rõ ràng, nhưng việc thực hiện không đúng diễn ra ở rất nhiều chung cư. Nhiều chủ đầu tư chiếm dụng tầng kỹ thuật, trục lợi hàng tỷ đồng”.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết.

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong