Trong 4 năm (2016-2020), TP.HCM chỉ cải tạo, xây dựng mới được vỏn vẹn 2 trong 237/474 chung cư cũ nát, mất an toàn…
Sống mòn trong chung cư cũ
Tại chung cư Vĩnh Hội và Trúc Giang tại quận 4, đối lập với các tòa cao ốc hiện đại ở bên kia sông Sài Gòn là hình ảnh dãy nhà 2 tầng đang xuống cấp trầm trọng. Trần nhà, lan can đều bị bong tróc, cột chung cư tại các tầng đều được ràng bằng kẽm do bị nứt sâu. Nhiều đoạn lan can rỉ sét chờ chực đổ sập bất cứ lúc nào. Hệ thống dây điện, ống nước... bám chằng chịt vào những bức tường cũ nát, người dân phải gia cố bằng những trụ sắt để đỡ lấy những bức tường này.
Anh Trần Linh, một hộ dân sống tại chung cư Vĩnh Hội chia sẻ, có những hôm gió mạnh khiến mảng vữa tường ngoài hành lang rơi liên tục, người dân ai cũng sợ. Chính quyền địa phương đã họp với các hộ dân để bàn về việc cải tạo, di dời, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể.
“Do chưa có phương án nên chúng tôi chưa thể di dời được, mà ngày nào còn ở đây thì ngày đó còn ăn không ngon, ngủ không yên”, anh Linh nói và cho biết thêm, các hộ dân ở đây đã tự sửa chữa, chằng chống những trụ cột, bờ tường đã hỏng để cố bám trụ, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm bợ.
Bất an và luôn mong ngóng ngày được di dời cũng là tâm trạng của những hộ dân đang sinh sống tại chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Căn hộ ở đây chỉ khoảng 40 m2, với một phòng ngủ, một phòng khách, một khu nấu ăn cạnh nhà vệ sinh và chỗ phơi quần áo được cơi nới kiểu “chuồng bồ câu” phía ngoài ban công.
Với những hộ dân ở đây, cảnh tượng những mảng vữa bất ngờ rơi xuống từ trần nhà, tường bị nấm mốc và sàn nhà luôn sẵn xô chậu để hứng nước dột vào những ngày mưa là chuyện bình thường.
Mới cải tạo được... 1%
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ khi chương trình này khởi động đến nay mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới. Ngoài ra, có 3 chung cư đang thi công dang dở quy mô khoảng 260.000 m2 mặt sàn với hơn 2.000 căn hộ.
“Thời gian qua, Thành phố chủ yếu sửa chữa, nâng cấp các chung cư cũ, còn xây mới rất ít”, ông Khiết nói và lý giải, nguyên nhân do còn vướng về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng.
Chẳng hạn, chung cư Trúc Giang (quận 4) sau hàng chục năm mời gọi nhà đầu tư, đã có 3 nhà đầu tư được chọn nhưng đều lần lượt bỏ cuộc và hiện chưa có nhà đầu tư mới. Tương tự, chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) cũng trong tình trạng không có nhà đầu tư quan tâm, dù đây là chung cư cấp D nằm trong diện di dời khẩn cấp.
Từ góc nhìn của nhà đầu tư quan tâm tới phân khúc này, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành lý giải căn nguyên khiến chung cư cũ “ế hàng” dù hầu hết đều nằm ở vị trí đắc địa là bởi, các khu này chủ yếu nằm ở khu vực nội thành, có diện tích nhỏ và không tăng được chiều cao xây dựng nên doanh nghiệp không mấy mặn mà.
“Khi cải tạo chung cư cũ thì doanh nghiệp sẽ chia làm 2 nhóm khách hàng. Thứ nhất là những căn hộ diện tích tối thiểu để đáp ứng việc bố trí tái định cư tại chỗ. Thứ hai là xây dựng căn hộ thương mại diện tích lớn để thu hút khách hàng mới. Như vậy, với đặc thù là diện tích nhỏ, không tăng được chiều cao, nên sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận doanh nghiệp thu về rất ít, nên không hào hứng”, ông Nghĩa chia sẻ.
Mặt khác, một số quy định về trình tự, thủ tục trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng trên thực tế. Đặc biệt, việc di dời cư dân ra khỏi chung cư cũ trước khi tìm được chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.
“Cả nước hiện có khoảng 2.500 chung cư cũ, xuống cấp, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Ước tính đến cuối năm nay, số lượng chung cư cũ được cải tạo, xây dựng mới chỉ đạt hơn 1% do vướng mắc về chính sách. Do vậy, Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cần được sửa đổi, bổ sung để đẩy nhanh quá trình này”, đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ.
Về phía chuyên gia cũng như các chủ đầu tư đều có chung nhận định, cải tạo nhà cung cư cũ không chỉ để chỉnh trang đô thị, mà còn tạo nơi chốn ở an toàn, chất lượng tốt, hạ tầng đồng bộ cho người dân. Vì thế, cần có cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nhanh chương trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest chia sẻ, để thu hút doanh nghiệp tham gia đề án cải tạo chung cư cũ, cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo 12-15% lợi nhuận cho họ, trường hợp chỉ tiêu quy hoạch làm thiếu hụt chỉ tiêu doanh thu thì phải được bù đắp bằng đất dự án ở nơi khác cho doanh nghiệp.
DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: