Top

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô:

"Vỏ" nào cũng khó vừa

Cập nhật 05/03/2010 09:45

Đây là lo lắng của nhà sử học Dương Trung Quốc trước Đồ án quy hoạch Thủ đô đang được công khai xin ý kiến. Ông cho rằng, chừng nào không có văn hóa đô thị, tức là không có cái ruột bên trong, thì không có cái "vỏ" nào có thể vừa được.

Nếu không thúc đẩy quá trình hình thành văn hóa đô thị, mọi quy hoạch đều ở trên giấy chứ chưa nói đến khó khăn về kinh tế, vật chất.

"Quên" sông Tô Lịch

Ông Dương Trung Quốc cho biết, giao thông đường thuỷ là lợi thế rất mạnh của Hà Nội. Truyền thống của ông cha ta chủ yếu là vận tải bằng sông nước nhiều hơn là trên đường bộ. Một thời kỳ chúng ta đã đánh mất đi năng lực này.

Nếu đọc lại các tư liệu lịch sử thì thấy Hà Nội chủ yếu đi bằng đường sông. Dự thảo muốn phục hồi và phát huy lại năng lực vận tải đường sông trong nội đô cũng như từ Hà Nội đến các địa phương khác. Đó là mặt tốt và đó như là một cách để bảo tồn và phát huy những cái đã có.

Tuy nhiên, chúng ta nên ứng xử như thế nào với sông Tô Lịch hiện nay? Có thể nói, một trong những dáng vẻ cổ xưa nhất của Hà Nội là dòng sông Tô Lịch, con sông tạo ra một dáng vẻ rất đẹp trong lòng Hà Nội. Quy hoạch của Hà Nội xưa cũng phụ thuộc vào con sông này.

Cho dù đến nay việc khôi phục lại một phần con sông là rất khó khăn, nhưng trong tầm nhìn xa, nhất là khi chúng ta có điều kiện, thì chúng ta cần tìm một hình thức nào đó để phục hồi lại nguyên vẹn dòng sông Tô Lịch. Cải tạo lại con sông vừa chỉnh trang lại đô thị, vừa tôn vinh, lưu dấu lại được các dấu tích.

Hàn Quốc đã có bài học đối với thành phố Seoul khi họ lấp đi một dòng sông cổ giữa lòng thành phố để phát triển đô thị. Sau đó nửa thế kỷ, khi có điều kiện, họ lại phục hồi lại con sông đó. Nó là điểm nhấn của đô thị Seoul hiện đại. Tuy nhiên, trong quy hoạch Hà Nội mở rộng hầu như không nhắc gì đến con sông Tô Lịch.


Định hướng phát triển không gian Hà Nội.

"Tây" có bảo tồn giống "ta"?

Thành cổ Hà Nội đã bị phá một cách cơ bản, chủ yếu là do nhu cầu phát triển đô thị của người Pháp ở cuối thế kỷ thứ 19 và sau này. Người Pháp để lại 2 dấu tích quan trọng là thành Cửa Bắc và Kỳ đài (Cột Cờ), một phần thành vẫn còn, nó nằm trên địa bàn của Hà Nội.

“Quy hoạch hạ tầng phải đi đôi với quy hoạch thượng tầng. Trong thượng tầng đó có pháp luật, giáo dục và cuối cùng là con người.

Khi con người có văn hóa đô thị, thì chính họ là người giúp sức cho việc thực hiện quy hoạch. Nhưng trước khi con người tự giác, thì phải có hành lang pháp lý”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Việc mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ lâu đã được xới lên vấn đề có bảo tồn thành cổ hay không và khai thác như thế nào để phục vụ cho việc xây dựng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị của nó? "Việc chúng ta khám phá một đoạn thành thôi đã lộ ra rất nhiều tầng văn hoá. Nếu chúng ta biết khai thác thì sẽ rất tốt", ông Quốc nhấn mạnh.

Dự án quy hoạch này nên đưa ra những gợi ý, trước mắt là bảo tồn, sau này là phát huy. Hay nói cách khác là giảm thiểu tối đa việc xâm phạm vào những di sản.

Có một vấn đề hết sức quan trọng mà giới sử học từ lâu đã nêu ra, là chúng ta cần có một quy hoạch bảo tồn, quy hoạch khảo cổ học trước khi chúng ta có quy hoạch phát triển Hà Nội.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lúng túng trong việc xây nhà Quốc hội là do ta vẫn chưa có quy hoạch khảo cổ học. Ở Hà Nội này, đào đâu cũng thấy công trình khảo cổ, vì thế nếu chúng ta có một quy hoạch bảo tồn trên cơ sở thăm dò và khảo sát về khảo cổ học cũng như các di tích cổ, thì chúng ta có thể đưa ra được những phương án tối ưu để bảo đảm vẫn phát triển tối đa, nhưng đồng thời cũng bảo tồn được các di sản.

"Vì thế tôi cho rằng cách đặt vấn đề của đề án này là rất trọng di sản, đó là việc làm đúng. Nhưng tính khả thi có được hay không trong một bối cảnh các nhà hoạch định là nhà nước ngoài? họ có thể tư duy theo kiểu nước ngoài, nhưng việc thực hiện liên quan đến luật pháp, thói quen, tập quán của người Việt Nam", ông Dương Trung Quốc nói.

Tháng 8 sẽ trình Chính phủ thông qua

Ngày 4/3, tại Hà Nội, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo có sự tham sự của Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Quy hoạch và phát triển đô thị...

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng báo cáo của đại diện Liên danh tư vấn quốc tế PPJ đã tiếp thu và đưa ra được những giải pháp khắc phục nhược điểm để Đồ án hoàn thiện tốt hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến đề xuất Đồ án cần được bổ sung vấn đề chỉnh trang đô thị, chú ý định hướng phát triển các làng ven đô, cơ chế tài chính để triển khai thực hiện...

Ông Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho biết, các đơn vị liên quan đang phấn đấu hoàn tất các thủ tục cần thiết để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 8/2010.


DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình