3.426 căn hộ và nền đất dự kiến được phân bổ, gồm: 781 căn hộ thuộc chương trình 12.500 căn phục vụ tạm cư tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, 24 nền đất phục vụ tái định cư cho dự án khu công nghệ cao, 161 nền đất phục vụ tái định cư cho dự án Thảo Cầm Viên, 1.615 căn hộ và 845 nền đất còn lại để giải quyết tạm cư, tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B ở huyện Bình Chánh đang trong cảnh hoang vắng.
Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đã có báo cáo về tình hình phân bổ nhà ở và đất ở thuộc sở hữu Nhà nước cho các quận huyện để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn.
Để giải quyết nhu cầu tái định cư cho người dân trên địa bàn trong thời gian tới, UBND TP.Thủ Đức và 21 quận huyện đã đăng ký sử dụng 4.250 căn hộ và nền đất. Trong đó, TP.Thủ Đức đăng ký nhiều nhất, với 1.467 căn hộ và nền đất, ít nhất là quận Tân Phú với chỉ 1 nền đất.
Trên cơ sở đăng ký của các địa phương, Sở Xây dựng đề xuất UBND TPHCM phân bổ 3.426 căn hộ và nền đất để phục vụ tái định cư cho 250 dự án chỉnh trang đô thị, công ích.
3.426 căn hộ và nền đất dự kiến được phân bổ, gồm 781 căn hộ thuộc chương trình 12.500 căn phục vụ tạm cư tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, 24 nền đất phục vụ tái định cư cho dự án khu công nghệ cao, 161 nền đất phục vụ tái định cư cho dự án Thảo Cầm Viên, 1.615 căn hộ và 845 nền đất còn lại để giải quyết tạm cư, tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích.
Trước đó, tháng 10/2020 UBND TPHCM chấp thuận phân bổ 3.656 căn hộ và nền đất cho các quận huyện để phục vụ tái định cư. Tính đến hết tháng 3/2021, các quận huyện đã sử dụng 345 căn hộ và nền đất, đạt tỷ lệ 9,4%, vẫn còn 3.311 căn hộ và nền đất chưa sử dụng.
Theo Sở Xây dựng, địa phương đã bố trí nhà ở tái định cư nhiều nhất là quận 4, với 114 căn hộ. Một số địa phương không sử dụng căn nào như quận 3, 5, 8, 11, Phú Nhuận, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Hầu hết các quận huyện có tỷ lệ bố trí rất thấp trên số lượng nhà đất đã đăng ký.
Một số nguyên nhân dẫn đến chậm sử dụng nhà ở tái định cư như công tác định giá bị kéo dài, các thủ tục đầu tư thay đổi, căn hộ xuống cấp cần sửa chữa trước khi bố trí…
Ngoài ra, nhiều hộ dân chưa đồng thuận với chính sách bồi thường dẫn đến khiếu nại, không đồng ý tái định cư vì xa nơi giải tỏa hoặc thay đổi nguyện vọng từ nhận nhà tái định cư sang hỗ trợ tiền để tự lo nơi ở mới.
Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, tính đến hết năm 2019 nguồn nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TPHCM là 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất chưa sử dụng tại 163 dự án.
Trong đó, một số được quản lý để chờ bán đấu giá (gần 4.800 căn), số khác (hơn 2.000 căn) chờ bố trí tái định cư cho các dự án trong tương lai. Cụ thể, các dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện còn hơn 5.300 căn hộ tái định cư để trống thuộc các lô từ R1 đến R7 trong khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh; gần 1.000 căn hộ tại dự án tái định cư Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), một chung cư ở quận 12 còn 320 căn; 220 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ (quận 7); 470 căn hộ tái định cư tại quận Bình Thạnh (chưa bàn giao thực tế)...
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, việc dôi dư nhà tái định cư có nguyên nhân từ chính sách đền bù giải tỏa thay đổi do luật pháp thay đổi. Đối với số căn hộ còn trống, TPHCM đã đấu giá 5.022 căn và 43 nền đất. Vừa qua, các quận huyện đã đăng ký 2.576 căn hộ và 1.079 nền đất để phục vụ nhu cầu tái định cư trên địa bàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM thông tin, trong năm 2020, số tiền TPHCM đồng ý chi trả để quản lý, vận hành, sửa chữa gần 10.000 căn nhà tái định cư đang bị bỏ trống là 71 tỷ đồng. Những năm trước, khoản chi này dưới hình thức Công ty Dịch vụ Công ích quận, huyện tạm ứng tiền để sửa chữa, vận hành.
DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: