Top

TP.HCM lấn biển: nhìn xa 100 năm

Cập nhật 16/06/2010 11:40

Tại hội thảo “TP.HCM phát triển ra hướng Biển Đông thích ứng biến đổi khí hậu”, do bộ Tài nguyên và môi trường, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND TP.HCM phối hợp chính quyền thành phố Rotterdam, Hà Lan tổ chức hai ngày 14 và 15.6, xác định quy hoạch thành phố lấn biển cần nhìn xa hơn 100 năm.


Quy hoạch nhìn xa hơn 100 năm là đúng nhưng theo nhiều ý kiến thành phố cần giải quyết những vấn đề trước mắt như ngập lụt, kẹt xe... Ảnh: T.L

Xác định không còn làm quy hoạch cho 10, 20, hay 50 năm, hội thảo khẳng định một tầm nhìn dài hơi 100 năm là đúng. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, còn quá nhiều vấn đề cần làm trước trước khi “lấn” biển.

Lo thành phố cảng bít đường thoát nước


Ông Nguyễn Trung Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đô thị cảng Hiệp Phước phía nam Nhà Bè là định hướng phát triển ra biển của thành phố. Vì vậy, thành phố đang tham khảo kinh nghiệm từ mô hình “Rotterdam – thành phố nước 2035” của Hà Lan.

Theo ông Tiedo Vellinga, đại diện cảng Rotterdam, Hà Lan, với địa hình tự nhiên trũng thấp tương tự TP.HCM, Rotterdam đang quy hoạch lấn biển, phát triển thành một trung tâm kinh tế cảng. Theo đó Rotterdam phát triển hướng ra phía tây, là vùng ngoại ô với nhiều nông dân làm nông nghiệp. Biết rằng như vậy là gây “tổn thương lớn” nhưng ông Tiedo cho rằng đây là vấn đề cấp bách, hoặc bây giờ hoặc không bao giờ.

Bà Vũ Thuý Hải, phân viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, bộ Xây dựng cho biết, theo quy hoạch chung xây dựng TP.HCM tới năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010, cảng biển sẽ là hướng phát triển lớn của TP.HCM, tức phát triển ra phía nam Nhà Bè với khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, một khi TP.HCM đã học tập mô hình thành phố cảng Rotterdam thì cần xem xét lại quy hoạch này còn phù hợp? Đại diện trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM băn khoăn: thời gian qua đã có rất nhiều nhà khoa học cho rằng việc thành phố tiếp tục phát triển ra hướng nam sẽ làm ảnh hưởng đến việc thoát nước, khiến thành phố càng ngập lụt hơn. Vì vậy, khi xây dựng quy hoạch TP.HCM lấn biển, rất cần các chuyên gia Hà Lan lưu ý vấn đề này. Ông Nguyễn Trung Việt, tổ trưởng tổ chuyên viên biến đổi khí hậu thành phố cho rằng: cần thận trọng! Bởi muốn làm tốt một tầm nhìn dài hơi thì phải có ngân hàng cơ sở dữ liệu tốt, trong khi thực tế ngân hàng cơ sở dữ liệu của thành phố hiện nay đang rất thiếu và yếu.

Dựa vào vốn tư nhân

Tại hội thảo, vấn đề “vốn ở đâu để thực hiện” là một trong những quan tâm, băn khoăn nhất của các đại biểu. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, đại diện phía Hà Lan cho rằng, phải tranh thủ từ các nguồn vốn tư nhân. Để được như vậy, trong bất kỳ kế hoạch, thiết kế chương trình nào, phía chính quyền cần tính đến những lợi ích mà phía tư nhân có được khi tham gia. “Trong việc mở rộng cảng của chúng tôi, tư nhân luôn sẵn sàng bỏ vốn làm và chấp nhận rủi ro”, ông Arnoud Molenaar, giám đốc phụ trách Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Rotterdam dẫn chứng. Vì vậy, rất cần một cơ chế chặt chẽ cho việc huy động nguồn vốn tư nhân lúc này, nhiều đại biểu kiến nghị tại hội thảo.

Mô hình thành phố nổi

Ý tưởng thành phố nổi khi xây dựng đô thị cảng về phía nam do Rotterdam gợi ý với TP.HCM tạo nhiều thú vị với đại biểu. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học Việt Nam lo ngại mô hình thành phố nổi của Rotterdam được xây dựng sâu ra biển, Rotterdam chỉ có một hệ thống sông đơn thuần, trong khi TP.HCM có một hệ thống sông gồm ba con sông lớn với nhiều nhánh sông, phức tạp hơn nhiều. Chưa kể, thực tế đô thị thành phố đang phải đối mặt với quá nhiều bất cập chưa giải quyết được như: triều cường, ngập lụt, kẹt xe, thói quen xả rác trong nếp sống người dân với sông ngòi… Ông Nguyễn Trung Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố cũng chỉ mới đang nghiên cứu mô hình xây nhà nổi trên biển thôi chứ chưa có chủ trương gì.



DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị