Top

TPHCM: Cần 25 tỉ USD cho hệ thống đường sắt đô thị

Cập nhật 30/03/2019 16:00

Hệ thống đường sắt đô thị của TPHCM bao gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên kết nối các trung tâm chính của thành phố, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài của toàn hệ thống khoảng 220km, với tổng vốn đầu tư ước tính 25 tỉ USD.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (QLĐSĐT), hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với tổng mức đầu tư bị “đội vốn” từ 17.400 tỉ đồng lên hơn 47.300 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.

Tuyến số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) cũng lặp lại kịch bản, từ 26.116 tỉ đồng lên 47.891 tỉ đồng. Tuyến này đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, thiết kế, tổ chức đấu thầu, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Cả 2 tuyến đều trong tình trạng chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo Ban QLĐSĐT, mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 51km đường sắt đô thị với tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỉ USD. Ngoài 2 tuyến trên, còn có tuyến số 5 (Bến xe Cần Giuộc – cầu Sài Gòn). Tuy nhiên, so với nhu cầu thực thế, khả năng đáp ứng nguồn vốn thấp.

Theo ông Phan Nhật Linh, Trưởng phòng Kế hoạch - hợp đồng Ban QLĐSĐT, nhìn nhận tất cả các dự án đường sắt đô thị tại TPHCM đều có tổng mức đầu tư rất lớn, trung bình khoảng hơn 1 tỉ USD.

Trong khi đó, đặc thù của các dự án này là công trình giao thông công cộng, vì vậy khả năng thu hồi vốn rất khó do chủ yếu thông qua bán vé, phát triển thương mại, dịch vụ kèm theo.

Vì vậy, ông Linh đánh giá TPHCM cần định hướng rõ hơn, có các cơ chế để khai thác quỹ đất, không gian xung quanh các dự án metro. Trên cơ sở đó sẽ có nhiều phương thức để xây dựng như có thể sử dụng vốn ODA hoặc thông qua các hình thức đối tác công tư, các cơ chế để thu hút đầu tư…



TPHCM cấn có các cơ chế để khai thác quỹ đất, không gian xung quanh các dự án metro.

Đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, cho biết trong quy hoạch xây dựng các tuyến metro, TPHCM đã có nghiên cứu và định hướng phát triển quỹ đất xung quanh và đó là cơ sở mà nhiều công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại…, đang hình thành dọc tuyến xa lộ Hà Nội.

Tuy nhiên, vai trò của nhà nước trong việc khai thác quỹ đất dọc tuyến rất hạn chế bởi đa phần đang của tư nhân. Do đó, nên xây dựng đề án đưa ra cơ chế riêng với định hướng thu lợi từ các dự án bất động sản, dịch vụ…, xung quanh các tuyến metro trong tương lai. Nếu thực hiện tốt, việc này sẽ giúp TPHCM có thêm nguồn lực đầu tư ngược lại đối với các tuyến metro sau này, không như 3 tuyến hiện nay đang thực hiện là số 1, 2 và 5, nguồn lực đang rất khó khăn.

Tại buổi làm việc với Ban QLĐSĐT mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý cần phải nghiên cứu việc khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến metro. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nếu khai thác một cách hợp lý, đây cũng là một trong những nguồn lực dùng đầu tư trở lại các tuyến metro.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong tháng 4.2019, UBND TPHCM phải "ra đầu bài" việc quy hoạch sử dụng đất dọc các tuyến metro, trong đó cần đề cập quan điểm trong vấn đề này, tiến độ thực hiện… cụ thể.

DiaOcOnline.vn – Theo Lao động