Top

Chính phủ xin lùi sửa Luật Đất đai

Cập nhật 28/03/2019 08:00

Chính phủ muốn lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đến sau năm 2020...

Chính phủ muốn xin lùi thời gian để cho việc sửa đổi thật "chín"

Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật diễn ra trong 2 ngày 25, 26/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh chương trình năm 2019 đối với 10 dự luật, dự thảo nghị quyết; trong đó, rút dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Theo Chương trình xây dựng luật năm 2019 của Quốc hội, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ được trình Quốc hội trong năm 2019, nhưng Chính phủ xin lùi đến sau năm 2020. Tuy đồng tình với Chính phủ, nhưng các ý kiến tại phiên họp đề nghị phải nhanh tiến độ xây dựng dự án luật để sớm sẵn sàng đưa vào chương trình.

Việc xin lùi lại quả thật là rất đáng tiếc bởi trước đó, cũng phải rất khó khăn khi Quốc hội đồng ý sắp xếp sửa Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật của năm nay. Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, tính đến nay chưa được 5 năm, "tuổi thọ" còn khá ngắn, muốn được Quốc hội cho sửa không phải điều dễ dàng.

Tuy nhiên, Chính phủ thấy rằng không thể không sửa, nên từ cuối năm 2017, đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi và đến tháng 6/2018, được Quốc hội đồng ý cho thực hiện vào năm 2019. Theo đó, dự án luật sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, để tạo được động lực mới cho phát triển, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ xem xét đồng bộ nhiều vấn đề lớn nhằm giải quyết 3 mục tiêu cơ bản là quản lý chặt chẽ tài nguyên đất; nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực tài chính từ đất đai cho phát triển; giải quyết hiệu quả vấn đề khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Chính sách đất đai, một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của hoạt động kinh tế - xã hội, cần phải tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới để giải phóng các nguồn lực khác.

Nhưng khi càng bắt tay vào sửa thì càng thấy khó, thấy vướng và Chính phủ muốn xin lùi để cho việc sửa đổi thật "chín". Nguyên nhân bởi đây là lĩnh vực quá nhạy cảm và phức tạp, chỉ một chút thiếu thận trọng cũng để lại hậu quả khó lường như về nội dung liên quan đến đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn... Hay như vấn đề về giá đất, hiện vẫn là bài toán rất khó.

Như phân tích của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Luật Đất đai đã có những quy định tiến bộ, đó là đền bù đất theo giá thị trường, song như thế nào là giá thị trường lại chưa được làm rõ, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi luật. Thực tế, vào tháng 6/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, trong đó cũng chưa đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Luật Đất đai đã qua 5 lần sửa đổi, luật đầu tiên được ban hành cách đây đã hơn 3 thập kỷ, có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 và đến giờ lại phải tiếp tục sửa đổi.

DiaOcOnline.vn – Theo Vneconomy