Sáng nay (12-7), HĐND TP Hồ Chí Minh đã tiến hành phiên chất vấn Sở Xây dựng TP, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng đăng đàn trả lời chất vấn.
|
Đang chờ giải ngân gói 30.000 tỷ
Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận đầu tư xây dựng 25 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất là 83,7 ha với khoảng 21.750 căn nhà ở xã hội. Trong đó, có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng với quy mô 119 căn và 2 dự án hoàn thành chuẩn bị bàn giao với quy mô 176 căn.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu HĐND TP vẫn tỏ ra băn khoăn và lo ngại về tồn kho bất động sản. Đại biểu Võ Văn Sen hoài nghi: “Báo cáo cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2013 tồn kho bất động đã giảm 14,1% (từ hơn 16.000 căn giảm xuống còn hơn 14.000 căn) liệu đây có phải là một bức tranh được tô sáng?”. Đại biểu này cho rằng, tồn kho bất động sản không phải chỉ là những căn hộ đã hoàn thiện mà tồn kho phần lớn ở các dự án còn đang dang dở.
Liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ông Trần Trọng Tuấn cho biết, một trong những điều kiện cho vay là đối tượng được vay phải có hợp đồng mua bán hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Trả lời chất vấn cử tri vì sao người có thu nhập thấp khó được vay, ông Tuấn khẳng định hiện đang có 21 trường hợp đang chờ giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng, trong đó có 18 trường hợp là cá nhân và 3 trường hợp là doanh nghiệp. Ông Tuấn cho biết thêm, Sở đang cân nhắc xem xét cho phép chủ đầu tư chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội theo phương châm không để tình trạng tồn kho nhà ở thương mại sang tồn kho nhà ở xã hội.
Để tháo gỡ thủ tục vay vốn mua nhà, ông Tuấn cho biết, một trong những điểm vướng mắc nằm ở Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định người mua nhà phải trả trước 20% giá trị căn hộ, trong khi phần lớn người có thu nhập thấp không đáp ứng được điều kiện này. “Chúng tôi đang làm việc với bên ngân hàng để bàn về việc đóng trước 20% giá trị căn hộ chỉ áp dụng đối với trường hợp mua, còn đối với trường hợp thuê và thuê mua thì không áp dụng quy định này”, ông Tuấn cho hay.
Người đứng đầu Sở Xây dựng TP cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Sở trong thời gian tới vẫn đặt trọng tâm về vấn đề nhà ở; đặc biệt là nhà tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp nhằm từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân.
Một căn nhà xây dựng trái phép đã bị các cơ quan chức năng xử lý.
|
Xử lý “đầu nậu” xây nhà trái phép
Từ đầu năm 2013 đến nay, qua công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 2.626 trường hợp vi phạm pháp luật về xây dựng, trong đó có 80% xây không phép, còn lại là sai phép. Trước cử tri TP, ông Trần Trọng Tuấn khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm trước ngày 15-8 đối với tất cả các trường hợp xây dựng nhà không phép, sai phép.
Trao đổi với PV Hànộimới bên hành lang Kỳ họp, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số 600 trường hợp xây nhà trái phép ở huyện Bình Chánh thì có tới trên 500 trường hợp do người từ địa phương khác đến. Nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, UBND TP có chủ trương cho phép người dân được tách thửa từ đất nông nghiệp để xây nhà ở. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý các trường hợp “đầu nậu” thu gom đất nông nghiệp để xây nhà trái phép rồi bán cho bà con nhằm trục lợi”, ông Tín khẳng định.
Thời gian qua, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã tích cực tham mưu cho UBND TP nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng. Qua đó, chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện kiện toàn bộ máy. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, kịp thời phát hiện các trường hợp xây nhà trái phép để xử lý theo pháp luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: