Top

TP. HCM: 300 mặt bằng đất công trong diện bị thu hồi vẫn chưa rõ số phận

Cập nhật 09/04/2019 08:00

Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM cho biết có khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi Quyết định hoặc Văn bản về sử dụng đất trên địa bàn thành phố, trong đó có những mặt bằng đang thực hiện các dự án bất động sản.

300 mặt bằng đất công trong diện bị thu hồi vẫn chưa rõ số phận (ảnh minh họa)

Trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng, các Bộ và UBND TP. HCM, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương thực hiện công tác rà soát, phân loại 300 mặt bằng đất công thành 3 nhóm.

Nhóm 1 bao gồm các mặt bằng về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nhóm 2 bao gồm các mặt bằng có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước ở mức độ không lớn. Nhóm 3 bao gồm các mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Với nhóm 1, HoREA đề xuất sớm được giải tỏa cho người sử dụng đất. Với nhóm 2, Hiệp hội đề nghị thành phố yêu cầu người sử dụng đất hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với nhà nước (nếu có).

Còn với nhóm ba, HoREA kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có kết luận, giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp, để có phương án xử lý có lý, có tình, có tính đến yếu tố lịch sử của quá trình sử dụng đất, vừa đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.

Ngoài nội dung nêu trên, văn bản của HoREA cũng nhắc tới thực trạng “đóng băng” trong công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án:

“Hiện nay, gần như công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn thành phố đều bị chậm trễ. Nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm nay vẫn chưa giải quyết xong, hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND thành phố”.

“Nguyên nhân trực tiếp là một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai nên có thái độ thụ động, không dám đề xuất chính kiến. Đồng thời, Hiệp hội nhận thấy chưa có "khung cơ chế" về quy trình tính "giá đất cụ thể" theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh, để cán bộ, công chức thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án theo "khung cơ chế" này thì yên tâm và được an toàn”, HoREA cho hay.

Hiệp hội kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường thụ lý nhanh hồ sơ tính tiền sử dụng đất dự án và phối hợp với Sở Tài chính để thẩm định giá đất và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định tiền sử dụng đất của các dự án;

Đồng thời kiến nghị UBND thành phố quy định thời hạn thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án, để tránh tình trạng đùn đẩy, dây dưa, kéo dài.

Ngoài ra, HoREA cũng tái đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành xây dựng "khung cơ chế" về quy trình tính "giá đất cụ thể" theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP. HCM để cán bộ, công chức thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án theo "khung cơ chế" này thì yên tâm và được an toàn.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamfinance