Thủ tướng vừa đồng ý tạm dừng triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều khu vực tại Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa còn hoang vu - Ảnh: Đ.T.
Trước đó, tỉnh Khánh Hòa và các bộ Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính đề nghị Thủ tướng cho dừng lập quy hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.
Thời gian tạm dừng lập quy hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong được xác định là tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tổ chức việc lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng theo quy định của Luật quy hoạch, đồng thời tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan.
Trong báo cáo gửi tới Chính phủ trước đó, tỉnh Khánh Hòa cho biết thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện một số thủ tục để triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đặc khu Bắc Vân Phong như dự thảo nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch.
Nhưng do Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội thông qua, nên quá trình triển khai lập quy hoạch khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng đặc khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa có cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch, hội đồng thẩm định và các nội dung liên quan khác.
Trên thực tế, trong 3 đặc khu kinh tế dự kiến phát triển là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thì Bắc Vân Phong đang có hạ tầng phát triển kém nhất. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược để thực hiện đặc khu này.
Trong khi đó, để phát triển đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển du lịch vận tải biển, dịch vụ thương mại, tài chính, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ cao, điện tử cơ khí chính xác, đóng tàu…, tỉnh Khánh Hòa cần một nguồn lực khoảng 400.000 tỉ để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Khánh Hòa cần khoảng 53.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, sẽ xây dựng 9 tuyến đường trục chính, 5 gói đường nội khu với 49 tuyến, xây dựng khoảng 20km đường sắt từ cảng trung chuyển Vân Phong đến đường sắt Bắc - Nam và 2 nhà ga.
Bên cạnh đó khu vực này cũng cần xây dựng thêm hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý rác, hệ thống liên lạc.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng cần 46.500 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như trường học; 3 bệnh viện, sân vận động, cung văn hóa, 15.000 tỉ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng và 80 tỉ đồng làm quy hoạch.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: